.

Đức cảnh báo rủi ro kinh tế toàn cầu

Cập nhật: 18:42, 14/05/2023 (GMT+7)

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cảnh báo về tình trạng kinh tế thế giới “mong manh” và bày tỏ hy vọng về một quyết định "đúng đắn” liên quan đến trần nợ của Mỹ. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, một vụ vỡ nợ là “không thể tưởng tượng được”.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner.

Phát biểu bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) tại Nhật Bản, người đứng đầu Bộ Tài chính Đức bày tỏ hy vọng giới chức Mỹ sẽ đi đến một quyết định “đúng đắn” về các cuộc đàm phán nâng trần nợ liên bang.

Ông cũng cảnh báo rằng sẽ có rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu nếu họ không hành động như vậy. Theo ông Christian Lindner, triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn còn mong manh và ông hy vọng rằng những nước đang gặp khó khăn sẽ không bị ảnh hưởng từ những ưu tiên ngắn hạn hoặc quan điểm bè phái. Giải thích thêm về hàm ý nói “đúng đắn”, ông Lindner cho rằng, đó là một quyết định có thể chấp nhận được mà không bị chi phối bởi những cân nhắc chính trị của đảng hay động cơ ngắn hạn nào.

Việc Quốc hội thường xuyên thông qua là cần thiết để nâng mức trần nợ của Mỹ. Ít nhất về mặt kỹ thuật, việc không làm như vậy có thể dẫn đến việc nền kinh tế lớn nhất thế giới vỡ nợ đối với một số khoản nợ của mình. Những bế tắc tương tự đã diễn ra trong nhiều năm gần đây, thường kết thúc bằng một sự thỏa hiệp và từng dẫn đến việc mức độ tín nhiệm của Mỹ bị hạ thấp chưa từng thấy.

Không phải là Mỹ đang vật lộn để vay thêm tiền với lãi suất cạnh tranh trên thị trường - lý do chính liên quan đến nỗi lo sợ vỡ nợ của một quốc gia, mà đơn giản là việc vay thêm tiền phải được cho phép, trong trường hợp này là Hạ viện do Đảng Cộng hòa đứng đầu.

Bộ trưởng Tài chính Đức, Mỹ và một số bộ trưởng khác đã nhiều lần cảnh báo rằng ngay cả một vụ vỡ nợ kỹ thuật, nếu xảy ra cũng có thể là thảm họa. Người đứng đầu Bộ Tài chính Đức cho rằng, trường hợp này sẽ gây rủi ro cho nền kinh tế cũng như sự ổn định của thị trường tài chính toàn cầu.

Ông Lindner nói: “Đó là lý do tại sao chúng tôi đặc biệt theo dõi diễn biến về tài chính của Mỹ trong những ngày này và hy vọng rằng một quyết định “đúng đắn” sẽ được đưa ra liên quan đến vấn đề này cũng như những tác động liên quan đến nền kinh tế toàn cầu”.

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản Kazuo Ueda cũng khẳng định: "Vỡ nợ tại Mỹ, nếu xảy ra sẽ trở thành một vấn đề vô cùng nghiêm trọng, và tôi nghĩ rằng chỉ riêng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có khả năng không thể đảo ngược lại được tình thế".

Phát biểu trước báo giới, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen thừa nhận rằng, một vụ vỡ nợ thực sự là không thể tưởng tượng được. Bà nói: “Nước Mỹ không bao giờ nên để xảy ra vỡ nợ vì điều đó là một thảm họa”. Mặc dù vậy, bà Yellen cho biết, vẫn chưa chắc chắn chính xác khi nào Bộ Tài chính sẽ hết tiền mặt để trả nợ của Chính phủ, nhưng bà sẽ thông báo cho Quốc hội về bất kỳ thay đổi nào về thời gian, mà trước đó bà đã cảnh báo có thể đến sớm vào ngày 1/6.

Theo kế hoạch, bà Yellen sẽ gặp các quan chức ngân hàng cấp cao của Anh để thảo luận về mức trần nợ vào tuần này, cho rằng việc giới chức ngân hàng lên tiếng về giới hạn nợ đang ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ là điều thích hợp.

PHƯƠNG HOA

.
.
.