Kỳ cuối: Ngày mai sẽ sống bằng gì?
BÀI LIÊN QUAN:
1. Khác với La Pista, khu ổ chuột Altos de Cazuca nằm dọc theo sườn núi ven rìa TP.Bogota, là nơi cư trú của hơn 450.000 người, trong đó khoảng 200.000 là người Venezuela, số còn lại là người Colombia. Để phần nào chống lại những cơn mưa gió mùa, nhà cửa ở đây hầu hết được dựng bằng những tấm tôn phế liệu.
Một đứa bé với bữa ăn do nhóm thiện nguyện Hijos de La Guajira cung cấp. |
Hernando Trujillo, trước năm 2007 là chủ một DN nhỏ làm nghề vận chuyển rau từ các vùng nông thôn đến Bogota nhưng giờ đây, sau khi 2 chiếc xe tải của ông bị nhóm phiến quân FARC cưỡng đoạt, nhà của ông cũng bị trưng dụng, ông cùng gia đình phiêu bạt đến Altos de Cazuca.
Ông nói: “Mùa nắng, chúng tôi phải chịu đựng cái nóng kinh hồn còn đến mùa mưa, những con đường đất biến thành những dòng sông bùn nhưng thà vậy còn hơn là chết dưới làn đạn của quân FARC hoặc quân chính phủ”.
Là quốc gia đông dân thứ 3 ở Mỹ Latin và cũng là quốc gia đứng đầu thế giới về sản xuất chất ma túy cocain nên người dân Colombia ngoài việc nằm giữa làn tên mũi đạn trong những cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và ELN, FARC, họ còn là nạn nhân của các băng nhóm sản xuất, buôn bán ma túy.
Bên cạnh đó, quan hệ giữa Colombia và nước láng giềng Venezuela đã xấu đi từ tháng 2/2019, khi tổng thống Venezuela là Nicolas Maduro tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Colombia với lý do ông Ivan Duque, tổng thống Colombia đã chuyển hàng viện trợ nhân đạo đến Venezuela nhằm giúp các chính trị gia đối lập thu phục lòng dân.
Không những thế, Colombia còn công nhận lãnh đạo phe đối lập là ông Juan Guaido là tổng thống hợp pháp của Venezuela. Đến tháng 1/2020, Colombia lại đổ dầu vào lửa khi từ chối đề xuất của Tổng thống Maduro về việc khôi phục quan hệ ngoại giao giữa 2 nước.
Tháng 8/2022, ông Gustavo Pedro đắc cử tổng thống Colombia bởi theo hiến pháp, mỗi tổng thống chỉ có thể tại vị 1 nhiệm kỳ duy nhất. Nó đã tạo ra một hy vọng cho những người Venezuela hiện đang sống trong những khu ổ chuột ở Colombia vì hồi tháng 1 năm nay, 2 nước đã mở lại hoàn toàn các cửa khẩu biên giới.
Nieto, 53 tuổi, người đã rời bỏ nhà cửa khi quân du kích FARC yêu cầu ông cung cấp lương thực cho họ, nói: “Thoạt đầu, chúng tôi hy vọng rằng sự tan băng trong quan hệ ngoại giao giữa Colombia và Venezuela có thể mang lại những hỗ trợ về lương thực, việc làm, thậm chí chúng tôi còn có cơ hội để trở về nhà nhưng đến nay, đã 3 tháng trôi qua nhưng tình hình vẫn vậy, thậm chí còn tồi tệ hơn. Vì thế, chúng tôi thà ở lại đây chứ không thể liều mạng ra đi với một tương lai bất định”.
Theo ông Francesca Fontanini, phát ngôn viên Cao ủy tị nạn LHQ (UNHCR) tại Colombia, hơn nửa triệu di dân có rất ít kỹ năng để tồn tại trong môi trường đô thị nên đã tạo ra áp lực rất lớn cho các thành phố.
Ông nói: “Điều kiện sống ở các khu ổ chuột còn tồi tệ gấp hàng chục lần nếu so với những vùng nông thôn nghèo khổ nhất tại Colombia hay Venezuela. Ở nông thôn, người dân còn có thể dựa vào đất đai, chăn nuôi hoặc làm thuê cho các trang trại mỗi khi đến vụ mùa nhưng ở La Pista hay Altos de Cazuca, họ sẽ làm gì khi xung quanh chỉ có đất và đá?”.
Jose Aicardo, 53 tuổi, từng là giáo viên trước khi chạy trốn khỏi các nhóm vũ trang cho biết: “Chính phủ Colombia đã bảo đảm an ninh cho các đường cao tốc và khách du lịch có thể đi từ thành phố này sang thành phố khác một cách an toàn nhưng những khu vực mà chúng tôi đã từng sống vẫn là những vùng đất của bạo lực”.
2. Tháng 11 năm ngoái, sau nhiều thập niên giao tranh đẫm máu, một thỏa thuận hòa bình giữa Chính phủ Colombia với FARC đã được ký kết nhưng nó vẫn chưa mang lại hy vọng cho những người sống trong các khu ổ chuột bởi lẽ khi FARC rút khỏi các căn cứ của họ, một số tổ chức bán quân sự cùng các băng nhóm ma túy đã nhanh chóng tiếp quản rồi điều hành cộng đồng dân cư theo luật lệ riêng.
Với một ít thực phẩm cứu trợ, Caliaz và đứa con 9 tháng tuổi trên tay sẽ sống được vài ngày. |
Nieves Batres, điều phối viên của UNHCR cho biết: “Di dân vẫn tiếp tục đổ về La Pista, Altos de Cazuca để tìm kiếm sự bảo vệ quốc tế trước sự đe dọa của những nhóm vũ trang mới ra đời và sự bất lực của chính quyền. Người di cư không còn cách nào để chọn lựa…”.
Vẫn theo ông Nieves Batres, vấn đề khó khăn nhất hiện nay đối với di dân ở cả hai trại La Pista, Altos de Cazuca là cái ăn và nước sạch cùng thuốc men, phương tiện chữa bệnh. Ông nói: “Nếu UNHCR cung cấp đủ những nhu cầu này thì điều đó vô hình trung sẽ kích thích người di cư tìm đến, còn nếu chỉ cung cấp nhỏ giọt thì bệnh tật do suy dinh dưỡng dẫn đến cái chết, nhất là với trẻ em là chuyện khó tránh khỏi”.
Phóng viên Adam Rodiguez của trang tin Mỹ Latin ngày nay đã mô tả trong một bài báo: “Mỗi khi thấy những chiếc xe tải màu trắng có in phù hiệu của UNHCR xuất hiện, hàng ngàn con người trong trại rùng rùng chạy theo vì họ biết trong những chiếc xe đó là dầu ăn, bột mì, bột bắp, sữa, đường và thuốc chữa bệnh. Phải khó khăn lắm các nhân viên cứu trợ mới buộc họ phải xếp thành hàng lối vì ai cũng sợ đến lượt mình thì… hết phần!”.
Caliaz, sống ở trại Altos de Cazuca nói trong nước mắt: “Con tôi mới 9 tháng tuổi. Mất hơn 3 giờ xếp hàng trong cái nắng như thiêu đốt, tôi mới nhận được 4 hộp lúa mạch, đủ để mẹ con tôi sống trong 1 tuần nhưng sau đó thì sao bởi đâu phải lúc nào cũng có hàng cứu trợ…”.
7 giờ chiều, hoàng hôn bắt đầu đổ xuống đường băng sân bay. Trước những túp lều, vài đống lửa được đốt lên bằng mấy mảnh cao su, cháy bập bùng như ma trơi. Khói cay hăng nồng xộc vào mắt, mũi những người ngồi dưới chiều gió. Đây đó vang lên vài cơn ho sặc sụa. Phải 2 đến 3 tiếng nữa, khi cái nóng đã dịu bớt, họ mới có thể đi ngủ với cái bụng rỗng và niềm hy vọng ngày mai có cái gì đó để ăn.
Người bán hàng rong German Balera cười buồn: “Cả ngày nay tôi chỉ bán được 2 cái bánh cho gia đình Eduard. Ông ấy là công nhân xây dựng tại một công trường ở TP.Maicao với mức lương 30.000 peso mỗi ngày (13 USD). Nếu tôi cũng kiếm ra chừng ấy thì tối nay con tôi không đói nhưng nếu cho chúng ăn hết mấy cái bánh thì ngày mai sẽ sống bằng gì?”.
VŨ CAO
(Theo Latin America Today)