AU thông qua lộ trình giải quyết xung đột ở Sudan
* UNHCR kêu gọi hỗ trợ các nước tiếp nhận người tị nạn.
Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) tại Khartoum (Sudan) ngày 25/5/2023. |
Trong thông báo đưa ra ngày 28/5, Liên minh châu Phi (AU) cho biết tổ chức này đã thông qua lộ trình giải quyết xung đột ở Sudan hướng tới việc ngừng bắn ở quốc gia châu Phi này.
Lộ trình đã được thông qua trong cuộc họp cấp chính phủ và nguyên thủ quốc gia của Hội đồng An ninh và Hòa bình AU hôm 27/5, tập trung vào tình hình ở Sudan.
Theo thông báo, lộ trình vạch ra 6 yếu tố, bao gồm thiết lập một cơ chế điều phối để đảm bảo mọi nỗ lực của các bên tham gia trong khu vực và quốc tế được hài hòa và hiệu quả; chấm dứt chiến sự ngay lập tức, vĩnh viễn, toàn bộ, toàn diện; và một phản ứng nhân đạo hiệu quả.
Cuộc họp trên đã nhấn mạnh tầm quan trọng hàng đầu của một tiến trình hòa bình duy nhất, toàn diện và hợp nhất cho Sudan, được điều phối dưới sự bảo trợ chung của AU, Cơ quan liên chính phủ về phát triển (IGAD), Liên đoàn các quốc gia Arab và LHQ, cùng với các đối tác có liên quan.
Thông báo nêu rõ: “Hội đồng, với sự quan ngại sâu sắc, lên án mạnh mẽ cuộc xung đột vô nghĩa và phi lý đang diễn ra giữa Lực lượng Vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF), dẫn đến một tình huống nhân đạo thảm khốc chưa từng có, giết hại bừa bãi thường dân vô tội”.
Sudan đã chứng kiến các cuộc đụng độ vũ trang giữa SAF và lực lượng bán quân sự RSF ở thủ đô Khartoum và các khu vực khác kể từ ngày 15/4, với việc hai bên cáo buộc nhau khơi mào cuộc xung đột.
Theo Hiệp hội Bác sỹ Sudan, kể từ khi các cuộc đụng độ nổ ra, số dân thường thiệt mạng đã tăng lên 863 người, với 3.531 người bị thương.
Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ gần đây cho biết hơn 1 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn kể từ khi xung đột nổ ra.
* Người đứng đầu Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) ông Filippo Grandi ngày 28/5 đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ các quốc gia láng giềng tiếp nhận người tị nạn Sudan, đặc biệt là Ai Cập.
Theo UNHCR, Ai Cập hiện là nước tiếp nhận lượng người di cư lớn nhất từ Sudan với khoảng 160.000 trường hợp, trong đó có hơn 153.000 người tị nạn Sudan.
Đại diện UNHCR tại Ai Cập và Liên đoàn các quốc gia Arab (AL), bà Hanan Hamdan cho biết ông Grandi đã đến thăm cửa khẩu biên giới Qustul để gặp gỡ những người rời khỏi Sudan và bàn các biện pháp tăng cường hợp tác với chính phủ Ai Cập để đảm bảo cung cấp các hỗ trợ đầy đủ cho những người tị nạn.
Trong thông báo trên mạng xã hội Twitter, ông Grandi kêu gọi Ai Cập tạo điều kiện thuận lợi nhằm hỗ trợ những người rời Sudan đi lánh nạn đồng thời hối thúc các nhà tài trợ quốc tế khẩn trương triển khai các chương trình cứu trợ.
Phát ngôn viên của UNHCR tại Ai Cập Christine Beshay tiết lộ trong chuyến thăm của mình, ông Grandi dự kiến sẽ hội kiến Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi và Tổng thư ký AL Ahmed Abul-Gheit.
Trong cuộc gặp gỡ với những người tị nạn Sudan ở Ai Cập, quan chức LHQ kêu gọi các bên tham chiến ở Sudan “ngừng bắn ngay lập tức,” nhằm tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán để hướng tới một giải pháp chính trị đem lại hòa bình và ổn định cho quốc gia Đông Phi này.
Sau khi các cuộc đụng độ giữa Các Lực lượng vũ trang Sudan và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự bùng phát từ giữa tháng Tư, Ai Cập đã mở các cửa khẩu biên giới cho người tị nạn Sudan và công dân các nước khác di tản nhằm chạy trốn bạo lực, đồng thời phối hợp với LHQ cung cấp những hỗ trợ cần thiết tại khu vực biên giới cho những người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn vì giao tranh.
Tuần trước, UNHCR thông báo sẽ cung cấp 50 triệu bảng Ai Cập (khoảng 1,6 triệu USD) cho Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Ai Cập (ERC) để hỗ trợ nhân đạo cho những người thuộc mọi quốc tịch sơ tán đến nước này từ Sudan.
NGUYỄN TÙNG