Tổng thư ký LHQ kêu gọi ngừng bắn vĩnh viễn tại Sudan
Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 25/4 đã kêu gọi các bên liên quan tuân thủ lệnh ngừng bắn trên toàn quốc trong 72 giờ và tiến tới thiết lập lệnh ngừng bắn vĩnh viễn.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres (giữa) phát biểu tại cuộc họp Hội đồng Bảo an LHQ về Sudan ở New York, Mỹ ngày 24/4/2023. |
Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) về Sudan, ông Guterres nêu rõ xung đột giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đã gây tình trạng bạo lực và hỗn loạn nghiêm trọng trong gần 2 tuần qua. Tổng thư ký LHQ cảnh báo cuộc chiến tranh quy mô lớn và kéo dài tại nước này là không thể chấp nhận được.
Theo ông Guterres, Sudan giáp với 7 quốc gia và tất cả các nước này đều đang trải qua xung đột hoặc chứng kiến tình trạng bất ổn dân sự nghiêm trọng trong thập kỷ qua. Ngoài ra, đây cũng là cửa ngõ vào Sahel - nơi tình trạng mất an ninh và bất ổn chính trị đang khiến tình hình nhân đạo vốn đã thảm khốc càng trở nên tồi tệ hơn. Do đó, cuộc đấu tranh quyền lực ở Sudan không chỉ khiến tương lai của đất nước này gặp rủi ro, mà còn có thể châm ngòi nổ xuyên biên giới, gây ra nỗi thống khổ cho người dân trong nhiều năm và khiến sự phát triển bị thụt lùi trong nhiều thập kỷ.
Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh “cần nỗ lực toàn diện cho hòa bình” tại Sudan, đồng thời kêu gọi các bên tham gia lập tức chấm dứt giao tranh, ngồi vào bàn đàm phán và “đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu”.
Xung đột khiến tình trạng thiếu hụt nhu yếu phẩm đang trở nên trầm trọng ở Sudan. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của LHQ cho biết: “Tình trạng thiếu lương thực, nước, thuốc men và nhiên liệu đang trở nên cực kỳ nghiêm trọng, đặc biệt là ở Khartoum và các khu vực lân cận. Giá của các mặt hàng thiết yếu - cũng như phương tiện đi lại - đang tăng chóng mặt”.
Theo OCHA, tại Wad Madani (thuộc bang Aj Jazirah), giáp với Khartoum, giá các mặt hàng thiết yếu tăng từ 40% đến 100%. Khả năng tiếp cận dịch vụ y tế cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khi các cơ sở chăm sóc sức khỏe trở thành mục tiêu tấn công của các phe đối địch.
Theo số liệu của WHO, hơn 400 người đã thiệt mạng và hơn 4.000 người bị thương kể từ khi nổ ra giao tranh tại Sudan. Nhiều quốc gia đã tận dụng thời gian 72 giờ ngừng bắn (theo một thỏa thuận do Mỹ làm trung gian) để khẩn trương sơ tán công dân của mình.
NGUYỄN TÙNG