.

Hải tặc ở Nigeria

Cập nhật: 19:41, 17/02/2023 (GMT+7)

Theo Cục Hàng hải quốc tế, chỉ riêng ở Nigeria, năm 2021 số vụ cướp biển được ghi nhận là 48 vụ nhưng đến năm 2022, chỉ còn 6 vụ nhờ vào các biện pháp an ninh của Chính phủ Nigeria và hải quân các nước. Tuy nhiên, khi các vụ cướp biển giảm xuống thì bọn hải tặc lại chuyển sang cướp bờ, và nạn nhân vẫn là những ngư dân vô tội…

Cướp biển hoạt động ở bang Akwa Ibom như chỗ không người.
Cướp biển hoạt động ở bang Akwa Ibom như chỗ không người.

Từ cướp biển đến cướp bờ

Cuối tháng 11/2022, dưới ánh sáng mờ nhạt của mảnh trăng hạ tuần, ngư dân Etim Asuquo cùng gia đình đang ngồi trước cửa ngôi nhà của họ ở Issiet Ekim, miền nam Nigeria, tận hưởng làn gió mát từ biển thổi vào thì bỗng nghe tiếng động cơ nổ giòn giã rồi sau đó là những tiếng súng.

Ông Asuquo nói: “Tôi vẫn không thể tin được khi bọn cướp biển tấn công làng tôi. Từ trước đến giờ, chúng chỉ hoạt động ngoài khơi và mục tiêu của chúng là những tàu buôn nước ngoài nhưng đêm hôm ấy, chúng tràn vào làng như một cơn lốc…”.

Chỉ khoảng nửa tiếng, nhóm cướp biển gồm 20 tên đã tháo gỡ hàng chục bộ lưới đánh cá và 6 động cơ của 6 chiếc thuyền đồng thời đốt 6 căn nhà. Ông Okon, 52 tuổi, anh trai của Asuquo sống gần đó đã chết trong vụ tấn công. Bà Mary, vợ Okon nói trong tiếng khóc: “Chúng bắn chồng tôi khi chồng tôi không chịu nộp tiền. Ông ấy chết vì chảy máu mà chẳng được cấp cứu…”.

Trước đó, hồi tháng 6/2021, một người đàn ông cũng đã thiệt mạng khi cướp biển tràn vào ngôi làng đánh cá Atabong, quận Okobo. Đến tháng 9, bốn ngư dân bị bắt cóc ở quận Ibaka và chỉ được tha sau khi gia đình họ trả 3,5 triệu naira tiền chuộc (tương đương 7.000USD).

Sự việc diễn ra khi các cuộc tấn công vào các tàu thương mại trong nước và nước ngoài trên vùng biển Nigeria đã giảm bởi sự tăng cường an ninh của Chính phủ Nigeria và các lực lượng hải quân quốc tế.

Vì vậy, bọn cướp biển chuyển sang “cướp bờ”. Sử dụng những chiếc tàu cao tốc, chúng thình lình ập vào những ngôi làng đánh cá, chủ yêu ở bang Akwa Ibom lúc nửa đêm. Ngoài ngư lưới cụ, động cơ tàu thuyền, chúng còn bắt người đòi tiền chuộc.

Francis Uyot, ngư dân làng Utan Udombo, thị trấn Ibaka, bang Akwa Ibom nói: “Chúng tôi không thể đếm được số lần cướp biển tấn công chúng tôi dọc theo vùng biển  này. Nhiều người đã thiệt mạng” nhưng họ không phải là những người duy nhất bị ảnh hưởng. Nhiều thương nhân khi đến các cộng đồng ven biển khác hoặc quốc gia láng giềng Cameroon để mua bán, kinh doanh cũng gặp phải cướp biển, dẫn đến họ phải thay đổi hành trình từ bang Akwa Ibom đến bang Cross River dù nó dài hơn, chi phí tăng lên nhiều hơn.

Vẫn theo Francis Uyot, trong làng anh đã có nhiều ngư dân bỏ nghề vì sợ cướp. Các nạn nhân cho biết chỉ riêng trong năm 2021, họ đã mất hơn 200 triệu naira (khoảng  500.000USD) vào tay bọn cướp biển, chưa kể một số ngư dân còn phải đóng thuế cho cướp biển mỗi tháng 1,5 triệu naira để được yên thân hành nghề.

Michael Uyeh, ngư dân ở thị trấn Ibaka nói: “Giá mua một động cơ cho chiếc thuyền của tôi là 3 triệu naira nhưng khi bán cho ngư dân ở những làng khác, bọn cướp biển lấy của họ 2 hoặc 1, 5 triệu naira còn nếu tôi xin chuộc lại, tôi sẽ phải trả cho chúng 2,5 triệu naira”. Việc mất động cơ đã khiến Uyeh phải bỏ nghề vì anh không còn tiền để thay thế.

Về phía chính quyền, ông MacDon Odiko, người phát ngôn của cảnh sát bang Akwa Ibom cho biết cảnh sát biển, lực lượng phòng vệ dân sự Nigeria đã đưa vào sử dụng những thiết bị giám sát hàng hải công nghệ cao để ngăn chặn nạn cướp biển.

Ông MacDon Odiko nói: “Tình trạng cướp biển đã giảm bớt nhờ vào tính chuyên nghiệp và sự phối hợp giữa cảnh sát biển với hải quân Nigeria và hải quân nhiều nước trên thế giới. Một chiến dịch gần đây của chúng tôi đã quét sạch 3 trong số những nơi ẩn náu của cướp biển trong các con sông nhỏ. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện nhiều chiến dịch khác cho đến khi tất cả các nhóm cướp biển phải vào tù”.

Tuy nhiên về phía ngư dân, hầu hết đều không tin vào những gì cảnh sát nói. Theo họ, đã có rất ít những nỗ lực của chính phủ nhằm cải thiện tình hình cho cộng đồng đánh cá bởi lẽ nhiều cuộc đột kích vào những hang ổ của cướp biển, cảnh sát chỉ thấy đó là những chiếc thuyền câu với những ngư phủ bộ dạng hiền lành. Và vì không có chứng cứ nên mọi chuyện lại đâu vào đấy.

Uyot nói: “Ngày qua ngày, chúng tôi vẫn phải đối mặt với cướp biển. Chẳng có thay đổi nào cả. Các lực lượng chống cướp biển chủ yếu vẫn chỉ hoạt động ở ngoài khơi còn cướp biển thì ra tay trên bờ. Bây giờ, khái niệm cướp biển đã được thay bằng “cướp bờ”.

Không cần đến những chiến dịch khoa trương

Theo số liệu của Cục Hàng hải quốc tế, chỉ riêng vùng biển Niger có khoảng 30 nhóm cướp biển hoạt động, trong đó nhóm ít nhất là 20 tên, nhiều nhất có thể lên đến 60 tên, phần lớn là cựu thành viên của tổ chức phiến quân “Phong trào giải phóng đồng bằng sông Niger”, sử dụng thuyền cao tốc, vũ trang bằng súng AK và súng phóng lựu B-40, B-41.

Căn cứ của chúng đặt ở những con lạch hoặc những con sông nhỏ đổ ra biển. Khi phát hiện mục tiêu, những thuyền trinh sát giả dạng thuyền đánh cá sẽ dùng bộ đàm báo về để bọn cướp biển tổ chức tấn công nhưng kể từ khi các chiến dịch truy quét do Chính phủ Nigeria tiến hành, bắt giữ một số nhóm thì bọn cướp biển không còn lộng hành như trước mà thay vào đó, ngư dân biến thành đối tượng. Nếu như năm 2022, các vụ cướp nhắm vào các tàu thương mại chỉ còn là 6 vụ thì các vụ tấn công vào các làng ngư dân lại tăng lên gấp 12 lần.

Phản ứng trước con số này, ông Bashir Jamoh, Tổng giám đốc Cơ quan An toàn và quản lý hàng hải Nigeria (NIMASA) cho biết Nigeria cam kết duy trì sự thành công đã được ghi nhận trong thời gian gần đây trong cuộc chiến chống cướp biển ở khu vực, bao gồm cả cướp bờ.

Cam kết này được thể hiện bằng việc hồi đầu tháng 1, nguyên thủ các quốc gia EU đã tiến thêm một bước qua việc các tàu hải quân châu Âu đang hoạt động trong khu vực sẽ hình thành một mạng khép kín để bảo đảm trách nhiệm tuần tra và trao đổi thông tin về hoạt động cướp biển .

Tuy nhiên ông Kamal-Deen Ali, giám đốc điều hành Trung tâm Luật Hàng hải và an ninh châu Phi lại cho rằng đây không phải là giải pháp lâu dài. Theo ông Kamal, cách tốt nhất là viện trợ trang thiết bị nhiều hơn cho Nigeria đồng thời việc chống cướp biển của cảnh sát Nigeria phải được đào tạo bài bản, cộng với việc xây dựng một mạng lưới cung cấp thông tin trong ngư dân.

Ông nói: “Chẳng ai hiểu rõ nhà mình bằng chính những người sống trong đó. Một con tàu hiện đại của nước ngoài chưa hẳn đã hiệu quả hơn một chiếc thuyền máy bản xứ khi mà những người trên thuyền máy biết rõ trong đám đông, ai là cướp biển, ai là dân...”.

VŨ CAO
(Theo International Maritime Bureau)

 
.
.
.