.

Trả tiền để săn sư tử, một thú vui dã man

Cập nhật: 19:52, 27/01/2023 (GMT+7)

Đầu năm 2023, tạp chí chuyên về du lịch Travellers đã đăng một bài nói về những khách du lịch trả tiền để được phép săn sư tử ở Nam Phi. Theo tạp chí này, đây là một trò giải trí dã man và tàn ác, không chỉ với động vật mà còn cả với môi trường thiên nhiên hoang dã. Một ước tính chưa đầy đủ cho thấy chỉ trong 2 tuần lễ đầu tiên của năm mới đã có 27 con sư tử bị giết và số tiền phải trả cho mỗi con là 25.000USD…

Sư tử ở Vườn quốc gia Kruger (Nam Phi).
Sư tử ở Vườn quốc gia Kruger (Nam Phi).

1. Theo tường thuật của phóng viên Jonathan Mearks, một trong những nơi nuôi sư tử phục vụ cho việc săn bắn là trang trại Jenobli Safaris ở tây bắc Nam Phi do Casper van der Merwe điều hành. Khi Mearks đến thăm, nơi này đang nuôi khoảng 300 con sư tử trưởng thành.

Mearks nói: “Vật ngăn cách giữa sư tử và tôi chỉ là một hàng rào giây thép có dẫn điện nhưng luồng điện chỉ làm chúng tê đi chốc lát nếu chúng chạm vào”.

Vẫn theo Mearks, ông chủ trang trại Casper cho chúng ăn mỗi tuần 3 lần bằng thịt bò sống, mỗi tảng 6kg. Khi cân nặng của sư tử đạt đến 65 hoặc 70kg thì cũng là lúc cuộc săn bắt đầu diễn ra ở 2 khu bảo tồn riêng biệt, mỗi khu có diện tích 150km vuông, bao gồm đồng cỏ, những cánh rừng thưa cùng những hồ nước nhỏ.

Sau khi đóng tiền tham gia cuộc săn, khách du lịch được bố trí ở trong những khách sạn sang trọng cách bãi săn 50km. Tại đó, họ nghe Casper phổ biến quy tắc săn, cách sử dụng súng. Tiếp theo, những chiếc xe địa hình đưa họ đến bãi săn. Khi bắn hạ sư tử, khách có quyền yêu cầu thuộc da chúng để giữ làm kỷ niệm hoặc bán con thú lại cho Casper.

John Marvin, khách đến từ Mỹ cho biết cảm giác khi bắn con thú trong điều kiện tự nhiên thật là “tuyệt vời”, nhất là nó lại là thú dữ: “Những con sư tử do được nuôi nhốt từ nhỏ nên đã quen với hơi người. Vì thế chúng không bỏ chạy hay tìm cách tấn công khi thấy tôi. Thậm chí chúng còn tiến lại gần để chờ được ném thức ăn. Tôi chỉ việc giương súng lên ngắm và siết cò...”.

Ở Nam Phi, săn sư tử là việc được luật pháp cho phép. Nó mang lại 2,4 tỉ USD doanh thu hàng năm. Đầu mối cung cấp sư tử cho những trang trại như Casper là Công viên quốc gia Kruger, nơi sinh sống của hơn 2.000 con sư tử hoang dã. Lúc chúng sinh con, nhân viên kiểm lâm chọn một số con đực khoảng 3 tháng tuổi bán cho các trang trại sau khi đã đeo vòng cổ nhận diện.

Cái vòng cổ ấy là vật chứng để sau này khách xuất cảnh, hải quan sẽ chẳng làm khó dễ với bộ da mà khách mang theo. Casper nói: “Mỗi năm, Chính phủ Nam Phi chỉ bán tối đa 5 giấy phép nếu săn sư tử hoang dã, còn với sư tử nuôi nhốt thì không giới hạn”.

2. Cơ sở chăn nuôi sư tử của Casper van der Merwes chỉ là một trong 260 trang trại sư tử ở Nam Phi, nơi có khoảng 8.000 đến 12.000 con được nhân giống, nuôi dưỡng. Khách săn phần lớn đến từ Mỹ, Anh, số ít đến từ Hà Lan, Pháp, Đức…

Sư tử bị giết được thuộc da và giao cho người bắn làm chiến lợi phẩm.
Sư tử bị giết được thuộc da và giao cho người bắn làm chiến lợi phẩm.

Phóng viên Mearks cho biết khi sư tử cái sinh con, sư tử con được tách ra theo giới tính. Những con cái cho ở với mẹ đến lúc cai sữa còn những con đực nuôi riêng bằng sữa bò. Khi trưởng thành, chúng được thả ra bãi săn để chuẩn bị đối đầu với thú vui tàn nhẫn. Maerks nói: “Nhiều con bị bắn nhưng chưa chết cố gắng lết đến phía người bắn. Chúng giương đôi mắt tròn như cầu cứu. Chúng không hiểu vì sao chúng lại đau đớn và chúng hy vọng kẻ cầm súng đứng trước mặt chúng sẽ giúp chúng như lúc chúng còn ở trại nuôi”.

Theo Casper, ông ta bắt đầu nuôi sư tử từ năm 2012 và hiện tại, trong bầy của Casper có 53 con đã sẵn sàng phục vụ người săn. Casper nói: “Mỗi tháng tôi phải trả từ 2.000 đến 3.000USD chỉ riêng cho thức ăn của sư tử, bao gồm bò và gà. Mỗi tháng 1 lần, bác sĩ thú y sẽ đến kiểm tra từng con để bảo đảm rằng chúng không mắc phải những bệnh truyền nhiễm và việc này tốn thêm 1.000USD nữa”.

3. Một thế kỷ trước, các nhà động vật học ước lượng có khoảng 300.000 con sư tử sống hoang dã ở châu Phi, Trung Đông và Ấn Độ nhưng đến nay, riêng châu Phi chỉ còn khoảng 30.000 con tồn tại trong tự nhiên. 26 quốc gia châu Phi đã hoàn toàn tuyệt chủng loài sư tử.

Khi số lượng sư tử suy giảm, mong muốn của khách du lịch từ các nước giàu có là được tận mắt đối mặt với “mãnh chúa rừng xanh”. Sự mong muốn ấy đã khiến một số doanh nhân châu Phi nảy ra ý tưởng “tại sao không nhân giống để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm ngày càng tăng?”, dẫn đến các trang trại sư tử ra đời.

Nhiều chủ trang trại lập luận: “95% gà lôi ở châu Âu được nuôi để săn bắn. Hiệp hội những người nuôi nai sừng tấm Bắc Mỹ hiện đang sở hữu khoảng 70.000 con mà mục đích cũng là phục vụ người đi săn. Chỉ riêng ở bang Texas đã có hơn 500 khu bảo tồn săn bắn tư nhân, nơi bạn có thể bắn một con ngựa vằn, một con trâu Cape hay một con kangaroo thì tại sao chúng tôi lại không thể nuôi sư tử?”.

Việc săn bắn kéo dài đến 2015 thì xảy ra hai chuyện, đã làm thay đổi hoàn toàn nhận thức của công chúng về việc săn sư tử. Đầu tháng 7, một con sư tử 13 tuổi ở Zimbabwe, tên là Cecil bị một nha sĩ người Mỹ bắn chết sau khi ông này dụ nó ra khỏi Công viên quốc gia Hwange bằng một tảng thịt voi. Vụ việc hầu như không được chú ý ở Zimbabwe nhưng trên phạm vi quốc tế, nó bị xem là một biểu tượng về sự tàn ác với động vật, dẫn đến 1,3 triệu người ký tên vào một bản kiến nghị với tiêu đề “Công lý cho Cecil” đồng thời kêu gọi Chính phủ Mỹ cấm nhập khẩu da, nanh sư tử.

Một khảo sát của tổ chức Bảo vệ động vật thế giới thực hiện năm 2022 cho thấy 84% khách du lịch quốc tế đồng ý rằng Nam Phi nên chấm dứt việc săn bắn sư tử.
72% nói rằng họ sẽ không đến đất nước này nếu săn sư tử vẫn được phép, 68% người dân Nam Phi phản đối săn sư tử dù rằng việc này có thể khiến Nam Phi mất 3 tỷ USD doanh thu du lịch trong thập kỷ tới…
Chưa rõ Chính phủ Nam Phi sẽ phản ứng ra sao nhưng hiện tại, mùa săn sư tử ở quốc gia này đã lại sắp bắt đầu…

Cũng trong tháng 7, bộ phim tài liệu “Blood Lions: Bred for the Bullet” được công chiếu rồi nhanh chóng thu hút khán giả trên toàn thế giới. Nội dung bộ phim cho thấy khi sư tử con sinh ra, chúng lập tức bị tách khỏi mẹ. Do mất cân bằng nội tiết tố sinh dục vì không cho con bú, sư tử mẹ nhanh chóng có thai trở lại và cũng như đứa con trước, sư tử con sinh ra lại bị tách rời. Bộ phim gọi đây là “nhân giống tốc độ”.

Hai chuyện nêu trên dẫn đến tháng 12 năm đó, Cơ quan Động vật hoang dã Mỹ phân loại sư tử Panthera Leo Leo sống ở châu Á, Tây và Trung Phi có nguy cơ tuyệt chủng, sư tử Panthera Leo Melanochaita sống Đông, Nam Phi đang bị đe dọa. Đến tháng 10/2016, chính quyền Obama công bố lệnh cấm nhập da và các bộ phận khác lấy từ sư tử nuôi nhốt ở Nam Phi nhưng chính quyền Trump sau đó đã nới lỏng lệnh cấm, giao cho cơ quan Động vật hoang dã Mỹ quyền xem xét giấy phép cho từng trường hợp cụ thể.

Năm 2019, cuộc tranh luận về săn sư tử lại bùng nổ ở Nam Phi, khởi đầu do Hiệp hội Dịch vụ du lịch Nam Phi lên tiếng tố cáo việc săn bắn sư tử nuôi nhốt rồi tiếp theo là các tổ chức dân sự khác ở nhiều nơi trên thế giới, dẫn đến Chính phủ Nam Phi phải ủy quyền cho một nhóm chuyên gia đánh giá các chính sách liên quan đến việc quản lý, nhân giống, săn bắn và buôn bán sư tử.

VŨ CAO (Theo Travellers)

.
.
.