.

EU thúc đẩy đa dạng hóa nguồn cung năng lượng

Cập nhật: 18:53, 18/12/2022 (GMT+7)

Ngày 18/12, Azerbaijan, Gruzia, Romania và Hungary đã ký kết thỏa thuận xây dựng đường dây tải điện chạy ngầm dưới Biển Đen để truyền tải điện từ các trại điện gió trong tương lai ở biển Caspi tới châu Âu.

Các đại biểu tại lễ ký ở Bucharest, Romania.
Các đại biểu tại lễ ký ở Bucharest, Romania.

Dự án được đánh giá là một phần trong nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung năng lượng của Liên minh châu Âu (EU).

Phát biểu tại lễ ký, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định, thỏa thuận sẽ giúp EU xích lại gần hơn các đối tác tại khu vực Bắc Kavkaz đồng thời hỗ trợ châu Âu thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.

Ngoài ra, thỏa thuận cũng sẽ giúp Gruzia trở thành một trung tâm năng lượng và kết nối với thị trường điện nội khối của EU đồng thời hỗ trợ quá trình tái thiết hệ thống năng lượng tại Ukraine.

Theo thỏa thuận vừa được ký kết, dự án đường dây tải điện 1.000 megawatt này có độ dài khoảng 1.100km, chạy từ Azerbaijan tới Romania.

Quá trình nghiên cứu tính khả thi của dự án sẽ hoàn tất vào cuối năm sau và quá trình xây dựng đường dây tải điện có thể mất từ 3 đến 4 năm.

*Trong một diễn biến có liên quan, cùng ngày, Đức đã khai trương cơ sở tiếp nhận khí hóa lỏng đầu tiên tại cảng Wilhelmshaven, bang miền Bắc Niedersachsen.

Tham dự lễ khai trương có các nhà lãnh đạo hàng đầu nước Đức như Thủ tướng Olaf Scholz, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Robert Habeck, Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner.

Phát biểu tại lễ khai trương, Thủ tướng Scholz khẳng định, đây là "một ngày tốt lành" cho nước Đức, "một dấu hiệu tốt cho toàn thế giới rằng nền kinh tế Đức sẽ có thể tiếp tục vững mạnh" về sản xuất và đối phó với các thách thức.

Ông ca ngợi việc hoàn thành dự án trong thời gian rất ngắn là "tốc độ mới ở Đức"; đồng thời khẳng định nước Đức đang tiếp tục thúc đẩy việc xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng.

Với các cơ sở tiếp nhận khí hóa lỏng đã và đang được triển khai xây dựng, nguồn cung cấp năng lượng của Đức sẽ "không còn phụ thuộc vào các đường ống từ Nga".

Nhà lãnh đạo Đức cho biết, cơ sở tiếp nhận khí lỏng ở cảng Wilhelmshaven là một "đóng góp rất, rất quan trọng" cho an ninh năng lượng của nước Đức. Mỗi năm, khoảng 6% nhu cầu khí đốt của Đức sẽ được đáp ứng thông qua cơ sở tiếp nhận này.

Cơ sở tiếp nhận khí lỏng ở cảng Wilhelmshaven được vận hành bởi nhà nhập khẩu khí đốt Uniper của Đức.

Chỉ trong khoảng 10 tháng triển khai xây dựng, một hệ thống đường ống dẫn khí mới dài khoảng 26km và một con tàu đặc biệt mang tên "Höegh Esperanza" đã được xây dựng.

Con tàu này sẽ chuyển khí tự nhiên hóa lỏng do tàu chở khí lỏng LNG cung cấp sang trạng thái khí và đưa vào mạng lưới khí đốt của Đức. Quá trình này sẽ diễn ra từ tuần tới.

Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ  khí hậu Habeck cũng cho rằng việc khai trương cơ sở tiếp nhận khí lỏng này là "một bước quyết định để đảm bảo nguồn cung khí đốt ở Đức". Nếu không có những cơ sở tiếp nhận như thế này, nước Đức có thể sẽ rơi vào tình trạng thiếu hụt năng lượng.

Ông khẳng định, chính phủ Đức đang hành động dưới áp lực lớn nhất để đảm bảo an ninh nguồn cung. Điều này cũng có nghĩa là các quy trình triển khai dự án sẽ được rút ngắn để mở rộng cơ sở hạ tầng năng lượng.

Ngoài cơ sở tiếp nhận khí lỏng tại cảng Wilhelmshaven, nước Đức đang tiếp tục triển khai xây dựng 4 cơ sở nữa và dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm tới. Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu nước này cho biết, các cơ sở tiếp nhận này sẽ cung cấp 1/3 nhu cầu khí đốt tự nhiên cho nước Đức trong những năm tới.

VŨ TÙNG

.
.
.