.

Đức lo ngại doanh nghiệp chuyển sang nước ngoài

Cập nhật: 20:30, 27/11/2022 (GMT+7)

Ngày 27/11, Giám đốc điều hành Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI) Tanja Gonner cho rằng, giá năng lượng cao, sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và chương trình trợ cấp mới của Mỹ có nguy cơ làm cạn kiệt vốn đầu tư từ châu Âu và điều này có thể đẩy một số doanh nghiệp rời khỏi Đức.

Công nhân lắp ráp ô tô tại một nhà máy của hãng Volkswagen ở Chattanooga, Đức.
Công nhân lắp ráp ô tô tại một nhà máy của hãng Volkswagen ở Chattanooga, Đức.

Theo bà Tanja Gonner, giá năng lượng cao và hoạt động kinh tế giảm sút đang ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Đức và đặt gánh nặng lên các công ty của Đức so với các nước khác trên thế giới. Bà đánh giá mô hình kinh tế của Đức đang chịu áp lực rất lớn, nói thêm rằng cứ 4 công ty của Đức có 1 công ty đang nghĩ đến việc chuyển sản xuất ra nước ngoài.

Quan chức này giải thích, những tâm lý như vậy bắt nguồn từ việc giá cả tăng vọt, chuỗi cung ứng hàng hóa bị gián đoạn, việc phong tỏa do dịch COVID-19 ở Trung Quốc và ảnh hưởng từ Đạo luật Giảm lạm phát, một đạo luật liên bang mang tính bước ngoặt của Mỹ cung cấp hàng tỷ USD trợ cấp cho các công nghệ mới và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế nước này.

Đạo luật, được Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 8 năm nay, bao gồm việc miễn trừ thuế đối với xe điện được sản xuất ở Bắc Mỹ, đồng thời hỗ trợ chuỗi cung ứng pin của Mỹ. BDI coi đạo luật này là một nguy cơ nghiêm trọng đối với các ngành công nghiệp của Đức.

Liên minh châu Âu cũng coi hành động này là "phân biệt đối xử" đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng chỉ trích gói hỗ trợ này, gọi biện pháp trên là không thân thiện và không tuân thủ các điều khoản của Tổ chức Thương mại Thế giới.

XUÂN PHONG

.
.
.