.
COCAINE - TỪ DƯỢC PHẨM HỢP PHÁP ĐẾN ĐỘC CHẤT GIẾT NGƯỜI

Kỳ 2: Cocain, món quà của thần chết

Cập nhật: 19:19, 21/10/2022 (GMT+7)

TIN BÀI LIÊN QUAN

1. Khi Thế chiến I nổ ra, nhu cầu về thuốc gây mê, thuốc giảm đau, thuốc giúp tỉnh táo đã thúc đẩy sự bùng nổ của Cocaine. Tại các chiến hào, những người lính thuộc quân đội Anh và Đức được cấp Cocaine miễn phí trong bối cảnh các đường vận chuyển bị cắt đứt. Vì thế, Hà Lan trung lập một lần nữa lại độc quyền. Trong suốt 4 năm diễn ra Thế chiến I, mỗi năm Hà Lan bán cho cả Anh lẫn Đức từ 20 đến 30 tấn Cocaine. 

Một cặp vợ chồng, cả hai đều nghiện Cocain.
Một cặp vợ chồng, cả hai đều nghiện Cocain.

Năm 1930, ưu thế về Cocaine của Hà Lan bắt đầu có dấu hiệu suy tàn. Nhiều khảo sát của các nhà y, sinh học cho thấy Cocaine có những tác dụng nguy hiểm đến sức khỏe con người, trong đó tính gây nghiện đứng hàng đầu và tiếp theo là ảo giác, mất kiểm soát lý trí, mất khả năng tư duy, lao động, dẫn đến Liên đoàn các quốc gia trên thế giới (tiền thân của Liên hợp quốc sau này) đã thống nhất hạn chế sử dụng Cocaine trong điều trị bệnh tật nhưng điều ấy vô hình trung lại mở đường cho Cocaine Nhật Bản lên ngôi.

Trước đó, năm 1917, Công ty dược phẩm Hoshi Pharmaceuticals, Nhật Bản đã mua một khu đất rộng 225 mẫu ở thung lũng Huallaga, Peru để trồng cây Coca rồi tiếp theo, nó được nhân giống ở đảo Okinawa và đảo Đài Loan. Khi Thế chiến II bùng nổ, quân đội Nhật chiếm Indonesia và dĩ nhiên là những đồn điền trồng cây Coca của Hà Lan cũng thuộc về tay họ. Nó dẫn đến kết quả 1/4  lượng Cocaine bán trên toàn cầu thời điểm ấy là do người Nhật. 

Một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ được giải mật sau Thế chiến II cho thấy Hắc Long hội, là cơ quan tình báo của Đế quốc Nhật đã tiến hành những chiến dịch “gây nghiện cho lính Mỹ và Đồng Minh bằng Cocaine”.

Vì vậy, Tòa án xét xử tội phạm chiến tranh do Mỹ và Đồng minh lập ra đã truy tố 2 quan chức chính phủ và một tướng lĩnh Nhật vì buôn bán ma túy. Họ là những người đầu tiên trên thế giới ra tòa và bị kết tội chống lại loài người.

Tại Mỹ, Cocaine xuất hiện lần đầu tiên năm 1885 dưới dạng thuốc trị đau răng và được bán tự do với giá 15 xu 1 chai 20ml. Tiếp theo là thuốc nhức đầu, ho, cảm cúm, giảm đau trong mổ xẻ. Đến năm 1920, có khoảng 3 triệu người Mỹ nghiện Cocaine, kể cả trẻ con. Nhiều đứa trẻ được cha mẹ cho uống thuốc ho có chứa Cocaine thì sau khi khỏi bệnh, chúng trở nên lờ đờ, chậm chạp, thường xuyên vật vã, ngáp và chảy nước mắt nhưng nếu được cho uống 1 thìa “thuốc ho”, chúng lại “tỉnh như sáo!”. 

Trong một bài đăng trên tờ tạp chí chuyên ngành về y học, xuất bản bởi Đại học Y khoa Connecticut, giáo sư Jack Daniel cùng cộng sự khẳng định: “Không còn nghi ngờ gì nữa, Cocaine là chất gây nghiện đặc biệt nguy hiểm. Nó là nguồn cơn của nhiều tệ nạn xã hội bằng việc xuất hiện những băng nhóm chuyên buôn lậu thuốc ho, thuốc giảm đau và thậm chí là Cocaine tinh chất.

Nó cũng là nguyên nhân gây ra các vụ cướp bóc, giết người để tranh giành thị trường hoặc đơn giản hơn, chỉ để kiếm vài đồng mua 1 liều thuốc ho Cocaine khi lên cơn nghiện…”. Dẫn chứng của Jack Daniel cho thấy năm 1922, thành phố New York xảy ra 260 vụ giết người có nguồn gốc từ Cocaine nhưng phải đến năm 1961, Liên hợp quốc mới thống nhất xếp Cocaine vào “loại ma túy đặc biệt nguy hiểm cho sức khỏe con người” đồng thời ban hành Công ước chống ma túy với sự đồng thuận của đa số các quốc gia thành viên.

Tuy nhiên việc gieo trồng và thu hoạch lá cây Coca rồi chế biến thành Cocaine không vì thế mà chấm dứt, nếu không muốn nói nó còn phát triển mạnh hơn với các băng nhóm ở Nam Mỹ, châu Âu, châu Á và Trung Đông, nhất là khi các tổ chức Hồi giáo cực đoan ra đời, Cocaine và Heroine đã trở thành một trong những công cụ kiếm tiền, tài trợ cho các hoạt động khủng bố.

2. Ngày nay, Cocaine đứng hàng thứ 2 trên thế giới về sản lượng tiêu thụ, chỉ sau Heroine. Nếu như ở châu Á, Heroine thống lĩnh thị trường bởi có nguồn cung dồi dào từ Tam giác vàng và Afghanistan thì tại châu Âu, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Cocaine vẫn là loại chủ lực bên cạnh các loại ma túy tổng hợp khác như, Fentanyl, Metamphetamine và cây cần sa…, phần lớn được cung cấp bởi những băng nhóm ở Mỹ Latin với sản lượng ước tính khoảng 240 tấn/năm, trị giá 12 tỉ euro. 

Bà Catherine De Bolle, Giám đốc Cảnh sát châu Âu (Europol) cho biết những kẻ buôn bán ma túy đang ngày càng thích nghi với những biện pháp của các cơ quan pháp luật châu Âu bằng cách chọn những cảng nhỏ, hẻo lánh ở Italia, Pháp, Đức…, làm nơi giao nhận Cocaine hoặc ngụy trang trong trái cây, trà nhập khẩu theo đường hợp pháp.

Bên cạnh đó, phương thức vận chuyển Cocaine cũng thay đổi từ tàu đánh cá, tàu biển, thậm chí tàu ngầm sang máy bay. Những chiếc máy bay nhỏ, sức chứa tối đa 500kg Cocaine cất cánh từ những đường băng thô sơ ở Colombia rồi bay sát mặt biển để tránh bị radar phát hiện. Khi đến địa điểm đã định trước, Cocaine bọc trong những túi chống thấm nước được ném xuống, các tàu cao tốc chờ sẵn chỉ việc vớt lên. Không những thế, các tổ chức tội phạm còn nhập nguyên liệu thô để sản xuất Cocaine ngay trên đất châu Âu.

Từ năm 2018 đến 2021, Europol đã triệt phá  25 phòng điều chế đặt ở Hà Lan, 11 phòng ở Tây Ban Nha và 2 phòng ở Bỉ nhưng để qua mặt cơ quan chống ma túy, Cocaine đã được các “chuyên gia hóa học” đưa vào những vật liệu ngụy trang như than củi hoặc đồ dùng bằng nhựa, đồng thời trộn lẫn Cocaine với Carfentanyl để tăng thêm độ “phê” vì hợp chất này mạnh hơn Heroine đến 50 lần!

Theo Văn phòng về ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC), giai đoạn căng thẳng nhất của đại dịch COVID-19 diễn ra từ giữa năm 2020 đến cuối năm 2021 chỉ làm giảm mức độ cung cấp Cocaine nói riêng và các loại ma túy khác nói chung trên thị trường thế giới. Từ đầu năm 2022 đến nay, nó đã có dấu hiệu hồi phục bởi lẽ một báo cáo của Cơ quan phòng chống ma túy Mỹ (DEA) cho thấy giá của một số loại ma túy đã giảm bất ngờ: Heroine giảm 87% còn Cocaine giảm khoảng 45% so với trước dịch.

Nó đã giúp những con nghiện ít tiền cũng có thể thỏa mãn và điều ấy dường như bắt nguồn từ nguyên nhân: Các băng nhóm ma túy “xả hàng tồn kho” hoặc hạ giá để giữ chân khách hàng truyền thống và thu hút thêm người dùng.

VŨ CAO 

(Theo Insight Crime)

 
.
.
.