Nghĩa địa xe đạp lạ lùng nhất thế giới
Năm 2007, với mục đích góp phần giảm thiểu khí thải, chính quyền thủ đô Paris, Pháp, khởi động chương trình chia sẻ xe đạp (Velib) với 14.500 chiếc, được bố trí tại hầu hết các trục giao thông trọng điểm. Thế nhưng chỉ 5 năm sau đó, số xe này chỉ còn không đầy 5.000 mà chẳng ai biết nó đã biến mất như thế nào.
Tìm vớt xe đạp dưới kênh Saint Martin sau khi đã tháo cạn nước. |
Khi ấy, bất kỳ ai - kể cả khách du lịch nước ngoài nếu muốn một chiếc xe đạp để tự mình khám phá “kinh đô ánh sáng” thì chỉ mất vài phút là sẽ có với giá 1 euro mỗi ngày. Lúc nào chán, người thuê cứ việc bỏ lại ở một điểm cho thuê nào đó thuận tiện với họ. Và bởi vì khi cho thuê, nhân viên giám sát bãi xe chỉ cần quét cái mã vạch in trên khung xe là ngay lập tức, thông tin về chiếc xe sẽ được đưa lên phần mềm quản lý. Khi trả xe cũng thế, mã vạch cũng được quét để xác nhận rằng xe đã được trả.
Khoảng 5 năm đầu tiên kể từ khi chương trình Velib ra đời, thống kê cho thấy mỗi ngày trung bình có khoảng 10.000 lượt xe được thuê mướn nhưng đến năm thứ 6, mỗi ngày có khoảng 20 hoặc 30 xe mất tích, nghĩa là người thuê không trả lại. Theo Sở Giao thông công chánh Paris, những chiếc xe mất tích không hẳn đã bị lấy cắp vì nếu có lấy, kẻ cắp cũng chẳng biết bán cho ai, đưa lậu ra nước ngoài lại càng không thể vì tiền vận chuyển còn đắt hơn tiền mua xe mới. Hơn nữa các quốc gia lân cận với Pháp như Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, Italia, Tây Ban Nha…, chẳng ai mua đồ ăn cắp làm gì!
Mãi đến năm 2016, khi tiến hành nạo vét kênh đào Saint Martin dài gần 5km ở phía bên bờ phải của con sông Seine mà thoạt đầu, nó được xây dựng từ năm 1816 để cung cấp nước sạch cho Paris, công nhân công ty thoát nước rất kinh ngạc khi thấy dưới đáy kênh là một thùng rác khổng lồ gồm những tấm nệm, những biển báo giao thông, những chiếc va ly, bàn ghế, bồn cầu, vỏ chai rượu, máy giặt, máy vi tính, xe nôi trẻ em, xe lăn cho người tàn tật nhưng nhiều nhất vẫn là những chiếc xe đạp trong chương trình Velib! Thôi thì đủ các chủng loại, từ chiếc mini cho những cô cậu tuổi teen đến những chiếc có gắn giỏ chở hàng, phục vụ các bà nội trợ hoặc những chiếc xe địa hình dành riêng cho người thích cảm giác mạnh.
Một trong những chiếc xe đạp bị ném xuống kênh Saint Martin. |
Và thế là Sở Giao thông công chánh Paris mở cuộc điều tra. Một video xuất hiện trên mạng cho thấy 3 cậu thiếu niên, tuổi chỉ khoảng 14 thuê 3 chiếc xe đạp. Sau khi đi chơi chán chê, cả 3 đứng trên cây cầu bắc ngang kênh đào Saint Martin và đồng loạt hô lớn “1, 2, 3” rồi ném chúng xuống dòng nước bên dưới.
Cuộc điều tra cũng cho thấy không chỉ lứa tuổi thanh thiếu niên mà ngay cả người lớn, nhiều người có lẽ nghĩ đến đoạn đường phải đạp đến chỗ trả xe khi chân đã mỏi, sức đã mệt, họ đẩy luôn chiếc xe xuống kênh cho… rảnh nợ! Một đồn trăm, trăm đồn ngàn, riết rồi nhiều người thuê xe đều biết rằng để đỡ mất thời gian đem xe đi trả.
Cách tốt nhất là… vứt nó xuống nước! Thanh tra Darlier thuộc Sở Giao thông công chánh Paris nói: “Bởi vì khi thuê xe, người thuê chỉ phải trả tiền chứ không cần xuất trình giấy tờ cá nhân nên chúng tôi khó tìm ra họ dù rằng ở các điểm cho thuê đều có camera giám sát”.
Tuy nhiên, không hẳn một số người thuê xe ném nó xuống kênh đào Saint Martin vì lười biếng khi đem đi trả mà trong số những chiếc xe “làm bạn với hà bá”, cũng có những chiếc xuống nước do tai nạn. Trên nhiều tờ báo xuất bản ở Paris thời ấy, thỉnh thoảng người đọc vẫn thấy xuất hiện nhưng mẩu tin đại loại như “Do thời tiết có nhiều sương mù, ông Pierre, 54 tuổi đã lạc tay lái khi đi dạo ven bờ con kênh Saint Martin. Hậu quả là ông và chiếc xe đạp rơi xuống nước nhưng được cứu kịp thời…”, hoặc: “Sau khi đã uống nhiều rượu, ông Jaques ngã xuống kên đào Saint Martin cùng chiếc xe đạp…” và thậm chí: “Một kẻ cướp giật là Paul lúc bị cảnh sát truy đuổi vì giật ví của một bà ở quận 12, đã phóng thẳng chiếc xe đạp xuống kênh Saint Martin rồi trốn thoát…” Ngay cả những người chán sống cũng chọn kênh Saint Martin làm chỗ vĩnh biệt cõi đời cùng với chiếc xe đạp và thông thường, cảnh sát chỉ vớt tử thi của họ lên còn chiếc xe thì mặc kệ!
Tính đến cuối năm 2019, công nhân công ty thoát nước đã vớt lên được 6.420 chiếc xe đap chỉ riêng ở kênh đào Saint Martin. Vẫn theo Thanh tra Darlier, thủ đô Paris có hàng chục con kênh đào nên nếu vứt được ở kênh Saint Martin thì không lý gì mà họ lại không vứt xuống những con kênh khác. Ông nói: “Đây có thể coi như hành vi phá hoại tài sản công. Nó được một số người xem là trò chơi cảm giác mạnh vì họ biết sẽ không bị phạt nếu không ai nhìn thấy…”. Cảnh sát đã từng bắt quả tang một người đàn ông nước ngoài ném chiếc xe đạp thuê xuống nước nhưng khi thẩm vấn, ông này cho rằng xe bị đứt dây phanh (thắng) nên ông ta cảm thấy không an toàn nếu vẫn tiếp tục đi. Khi chiếc xe đạp được vớt lên, đúng là dây phanh của nó đã đứt nhưng vết đứt là do bị cắt chứ không phải do lỗi kỹ thuật. Thanh tra Darlier nói: “Vì không đủ chứng cứ, chúng tôi phải để ông ta đi sau khi yêu cầu phải nộp một số tiền nhỏ với lý do cố ý gây ô nhiễm môi trường nước”.
Ngày nay, những con phố tiếp giáp kênh Saint Martin ở quận 10 là một trong những khu vực sang trọng nhất Paris với những bar cà phê và những nhà hàng lộng lẫy nhưng thỉnh thoảng, công nhân thoát nước vẫn vớt lên được những chiếc xe đạp mà phần lớn trong số chúng đều còn mới và nguyên vẹn, chứng tỏ rằng nạn thuê xe rồi vứt bỏ vẫn hiện hữu. Một video xuất hiện trên mạng thu hút hàng chục nghìn người theo dõi đã chứng minh hiện tượng này: Một cậu bé tuổi teen trên chiếc xe đạp BMX màu xanh dương nói trước ống kính với một người nào đó tên Mike: “Mike, đây là chiếc xe tôi thuê hôm qua. Bây giờ tôi thực sự chán nó. Vì vậy tôi sẽ ném nó xuống kênh. Tôi hy vọng bạn không phiền lòng”.
Rồi bằng một cú đẩy rất mạnh, chiếc BMX lộn nhào trong không trung. Nhiều tiếng cười, tiếng la hò cỗ vũ có thể nghe thấy lúc bánh xe sau của chiếc BMX chạm vào mặt nước rồi biến mất dưới lòng kênh. Có tiếng ai đó hét lên: “Một vụ giết người êm ái. Vui quá! Có lẽ chúng ta phải làm thêm vài vụ nữa”.
Theo Thanh tra Darlier, biện pháp duy nhất để ngăn chặn tình trạng này là phải thay đổi cách quản lý. Ấy là khi thuê xe, ngoài việc trả tiền trước, khách thuê còn phải xuất trình giấy tờ tùy thân để bộ phận giám sát dễ dàng biết được số phận của chiếc xe nếu sau nhiều ngày mà nó không được trả lại. Thậm chí nếu cần, người cố tình ném xe xuống nước còn phải chịu chế tài bằng hình thức lao động công ích: Dưới sự giám sát của bộ phận thoát nước, họ phải xuống sông tìm lại chiếc xe rồi mang nó lên bờ…
VŨ CAO (Theo Traveller)