IPEF dự kiến khởi động đàm phán về xây dựng các quy tắc kinh tế
Các bộ trưởng từ 14 quốc gia tham gia Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng (IPEF), do Mỹ dẫn dắt, dự kiến tuyên bố khởi động đàm phán chính thức trong tuần này tại Los Angeles (Mỹ), trong bối cảnh họ tìm cách hệ thống hóa một trật tự kinh tế dựa trên các quy tắc tại khu vực có tốc độ tăng trưởng nhanh này.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại sự kiện khởi động khuôn khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF) ở tại Tokyo Nhật Bản ngày 23/5. |
Hội nghị trên, kéo dài từ ngày 8-9/9 tại Los Angeles, sẽ là cuộc họp trực tiếp cấp bộ trưởng đầu tiên của IPEF, được coi như một phương tiện do chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tạo ra để kìm hãm Trung Quốc.
Theo các quan chức Nhật Bản, tại hội nghị sắp tới ở Los Angeles, các quốc gia thành viên dự kiến xác định quốc gia nào sẽ tham gia đàm phán về trụ cột nào trong 4 trụ cột của IPEF, kết quả sẽ được công bố trong tài liệu sau hội nghị.
Các bộ trưởng IPEF sẽ hướng tới việc xây dựng cấu trúc có khả năng đảm bảo cung cấp ổn định các sản phẩm quan trọng như chip và khoáng chất, ví dụ như đất hiếm, ngay cả trong thời điểm xảy ra các thảm họa tự nhiên và các tình huống bất ngờ khác.
Các bên cũng có ý định tăng cường hợp tác trong các công nghệ năng lượng mới sử dụng hydro và amoniac, cũng như năng lượng tái tạo.
Không giống như hiệp định thương mại thông thường, IPEF không liên quan đến việc cắt giảm thuế quan và tự do hóa thương mại vốn là những vấn đề nhạy cảm ở Mỹ.
Người tiền nhiệm của ông Biden, cựu Tổng thống Donald Trump, đã rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào năm 2017 vì những lo ngại như vậy.
Thay vào đó, IPEF, chiếm khoảng 40% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới, tập trung vào việc thiết lập tiêu chuẩn cao trong các lĩnh vực mới như nền kinh tế kỹ thuật số và chuỗi cung ứng cho chất bán dẫn và các vật liệu quan trọng chiến lược khác.
IPEF, được Biden công bố trong chuyến thăm Nhật Bản vào tháng 5 năm nay, được coi là sự tái cam kết Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và là giải pháp thay thế, do Washington dẫn dắt, nhằm đối phó với các biện pháp cưỡng bức kinh tế và ngoại giao bẫy nợ của Bắc Kinh.
IPEF bao gồm 4 trụ cột chính sách gồm thương mại công bằng; khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng; năng lượng sạch cùng với cơ sở hạ tầng và phi cacbon hóa, cũng như các biện pháp chống lại hành vi trốn thuế và tham nhũng.
IPEF hiện tại có 14 nước tham gia gồm Mỹ, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Fiji, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan, Brunei và Việt Nam.
THÚY HẰNG