Kiến tạo một thế giới không phổ biến vũ khí hạt nhân
Ngày 1/8, tại trụ sở của Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, đã khai mạc Hội nghị đánh giá Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) lần thứ 10, một hiệp ước quốc tế có hiệu lực vào năm 1970 để ngăn chặn sự phổ biến vũ khí hạt nhân, vốn đã bị hoãn lại nhiều lần kể từ năm 2020 do đại dịch COVID-19, và sẽ kéo dài đến hết ngày 26/8.
Người dân tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng vì bom nguyên tử tại TP.Hiroshima, Nhật Bản, ngày 6/8/2021. |
Tham dự hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã đề xuất “Kế hoạch hành động Hiroshima” nhằm giảm thiểu rủi ro hạt nhân.
Phát biểu trong phiên khai mạc, Thủ tướng Kishida nhấn mạnh con đường tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân ngày càng trở nên gập ghềnh do sự chia rẽ sau sắc trong cộng đồng quốc tế.
Tuy nhiên ông khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Nhật Bản và cộng đồng quốc tế phải hướng tới mục tiêu này với xuất phát điểm chính là NPT.
Trên cơ sở đó, ông đề xuất “Kế hoạch hành động Hiroshima” với vai trò là bước đầu tiên của lộ trình thực tế kết nối giữa mục tiêu một thế giới không có vũ khí hạt nhân và thực tế môi trường an ninh khắc nghiệt hiện tại, gồm 5 điểm:
Đầu tiên, cộng đồng quốc tế cùng chia sẻ tầm quan trọng của việc không sử dụng vũ khí hạt nhân. Cần phải hướng tới mục tiêu không có mối đe dọa nào, chứ đừng nói đến sử dụng vũ khí hạt nhân. Nagasaki phải trở thành thành phố cuối cùng bị ném bom nguyên tử.
Thứ hai, cải thiện tính minh bạch. Đây là cơ sở của tất cả các biện pháp giải trừ vũ khí hạt nhân. Nhật Bản kêu gọi các nước có vũ khí hạt nhân phải cải thiện tính minh bạch của sức mạnh hạt nhân đang sở hữu.
Đặc biệt là việc công bố thông tin về tình hình sản xuất vật liệu phân hạch dùng cho chế tạo vũ khí hạt nhân. Đây là một bước quan trọng để tạo đà cho việc bắt đầu các cuộc đàm phán về Hiệp ước cấm sản xuất vật liệu phân hạch (FMCT).
Thứ ba, duy trì xu hướng giảm số lượng vũ khí hạt nhân. Số lượng vũ khí hạt nhân trên thế giới đã giảm đáng kể so với thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh nhưng vẫn còn hơn 10.000 vũ khí hạt nhân các loại. Việc nỗ lực duy trì xu hướng này là vô cùng quan trọng để hướng tới một thế giới không vũ khí hạt nhân.
Nhật Bản kêu gọi sự tham gia có trách nhiệm của các nước sở hữu vũ khí hạt nhân. Từ góc độ này, Nhật Bản ủng hộ đối thoại giữa Mỹ và Nga hướng tới cắt giảm hơn nữa số lượng vũ khí hạt nhân và ủng hộ đối thoại giữa Mỹ và Trung Quốc về giảm trừ và kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Để tạo đà thúc đẩy Hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân toàn diện (CTBT) và FMCT, Nhật Bản sẽ kết hợp với Đại hội đồng Liên hợp quốc tổ chức hội nghị “Những người bạn của CTBT” ở cấp thượng đỉnh vào tháng 9 tới.
Thứ tư, đảm bảo không phổ biến vũ khí hạt nhân và thúc đẩy sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Nhật Bản sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế để giải quyết các vấn đề hạt nhân và tên lửa Triều Tiên, đồng thời đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy đối thoại hướng tới hiện thực hóa thỏa thuận hạt nhân Iran. Việc sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình cần phải đi cùng với đảm bảo an toàn hạt nhân.
Liên quan đến hậu quả của thảm họa hạt nhân năm 2011, Nhật Bản cam kết sẽ giải quyết các vấn đề khác nhau liên quan đến việc tái thiết khu vực bị ảnh hưởng.
Nhật Bản sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế và Cơ quan năng lượng quốc tế (IAEA), thúc đẩy các nỗ lực một cách minh bạch, phù hợp với tiêu chuẩn an toàn trong nước và quốc tế.
Thứ năm, Nhật Bản sẽ lan tỏa những nhận thức chính xác về các vụ ném bom nguyên tử trên thế giới bằng cách thúc đẩy các chuyến thăm thực tế của lãnh đạo các quốc gia đến các thành phố bị ném bom nguyên tử.
Cũng nhân dịp này, Thủ tướng Kishida bày tỏ vui mừng chào đón TTK LHQ Antonio Guterres đến thăm thành phố Hiroshima vào ngày 6/8 tới.
Nhật Bản sẽ đóng góp 10 triệu USD cho LHQ để thành lập “Quỹ các lãnh đạo trẻ phi hạt nhân,” mời những người trẻ, các lãnh đạo tương lai đến thăm thăm Nhật Bản để trải nghiệm thực tế về sự thảm khốc của các vụ đánh bom nguyên tử, qua đó tạo nên một mạng lưới những người trẻ toàn cầu hướng tới xóa bỏ vũ khí hạt nhân.
Bên cạnh đó, để tăng động lực quốc tế cho một thế giới không vũ khí hạt nhân, cuộc họp đầu tiên của “Hội đồng quốc tế về những nhân vật có tầm ảnh hưởng” sẽ được tổ chức vào ngày 23/11 tới tại TP.Hiroshima, dự kiến sẽ có sự tham gia của lãnh đạo các nước cả đương nhiệm và đã nghỉ.
Năm 2023, Hội nghị thượng đỉnh G7 sẽ được tổ chức tại Hiroshima, một thành phố từng hứng chịu thảm kịch bom nguyên tử. Nhật Bản muốn cho thế giới thấy những cam kết mạnh mẽ rằng sẽ không tái diện thảm kịch tương tự như vậy.
Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng Kishida cho biết đã tự tay gấp 1.000 con hạc giấy mang đến hội nghị lần này với mong muốn tiếp tục tâm nguyện của Sadako Sasaki, hiện thân của nạn nhân bom nguyên tử và cũng là biểu tượng cho nỗ lực một thế giới hòa bình, một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
PHẠM TUÂN