Iran lên kế hoạch khai thác mỏ dầu chia sẻ với Saudi Arabia
Ngày 21/8, Iran thông báo nước này sẽ bắt đầu khai thác một mỏ dầu có trữ lượng lớn nằm ở khu vực biên giới trên biển với Saudi Arabia thuộc Vịnh Ba Tư (Vịnh Persian) trong 3 năm tới.
Một quan chức Bộ Dầu mỏ Iran thông báo, hợp đồng sẽ được trao trong tương lai rất gần cho giai đoạn đầu tiên của dự án phát triển tại mỏ dầu Esfandiar, được kết nối với mỏ Lulu của Saudi Arabia.
Người đứng đầu Công ty Dầu khí Ngoài khơi Iran, Alireza Mehdizadeh tiết lộ, một giàn khoan và 4 giếng khoan đã được lên kế hoạch cho giai đoạn đầu của dự án phát triển mỏ dầu Esfandiar, cách đảo Kharg của Iran 95km về phía Tây Nam và có trữ lượng ước tính hơn 500 triệu thùng.
Theo Bộ Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zanganeh, sản phẩm thô khai thác tại mỏ Esfandiar sẽ được xử lý tại mỏ dầu Abuzar gần đó, trước khi thành phẩm được chuyển đến đảo Kharg.
Quan chức này nói thêm, Iran cũng có kế hoạch khoan một giếng thăm dò ở mỏ Esfandiar để có thêm thông tin về cấu trúc của giếng dầu và có những phân tích tốt hơn cho các giai đoạn tiếp theo của dự án phát triển tại mỏ này.
Iran đã huy động các nguồn lực trong nước để phát triển các mỏ dầu được chia sẻ với các nước láng giềng, trong bối cảnh các hạn chế được áp dụng đối với lĩnh vực dầu khí của nước này do các lệnh trừng phạt của Mỹ đã ngăn cản các công ty nước ngoài đầu tư vào các dự án dầu khí lớn của Tehran.
Vào tháng 3, Bộ Dầu mỏ Iran thông báo, nước này sẽ bắt đầu hoạt động khoan tại một mỏ khí đang tranh chấp được chia sẻ với Saudi Arabia và Kuwait, sau khi hai nước Arab cho biết họ đã đạt được thỏa thuận để phát triển mỏ này.
Giữa tháng 8, Chính phủ Iran thông báo đã ký kết các thỏa thuận với các doanh nghiệp trong nước để đầu tư tổng cộng 29 tỷ USD vào các dự án dầu mỏ và khí đốt của quốc gia Trung Đông này. Các thỏa thuận khác có tổng trị giá 10 tỷ USD dự kiến sẽ sớm được hoàn tất.
Tính tới nay, Chính phủ Iran đã thu hút hơn 80 tỷ USD đầu tư vào các dự án dầu khí của nước này và đã ký thỏa thuận trị giá 40 tỷ USD với Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga.
NGUYỄN TÙNG