.
HỘI NGHỊ G20

Đề cao chủ nghĩa đa phương, mở cửa cho đối thoại

Cập nhật: 20:05, 10/07/2022 (GMT+7)

Dù bầu không khí căng thẳng được dự báo trước cũng như việc thiếu vắng các thỏa thuận hoặc tuyên bố chung, Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã khép lại tại Bali (Indonesia) sau 2 ngày (7-8/7) làm việc với sự nhất trí rộng rãi về sự cần thiết tăng cường chủ nghĩa đa phương, chấm dứt xung đột, hợp tác cùng giải quyết các cuộc khủng hoảng trầm trọng mà thế giới đang phải đối mặt.

Biểu tượng Hội nghị Ngoại trưởng G20 tại Nusa Dua, Indonesia.
Biểu tượng Hội nghị Ngoại trưởng G20 tại Nusa Dua, Indonesia.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các thành viên G20 đẩy mạnh các nỗ lực đa phương nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực và biến đổi khí hậu. Ông cho rằng tăng cường chủ nghĩa đa phương - 1 trong 2 chủ đề trong chương trình nghị sự chính của hội nghị - “không phải là một lựa chọn, mà là sự cần thiết”, khẳng định rằng đây là “cách duy nhất” để vượt qua tình trạng khan hiếm lương thực trên diện rộng, sự hỗn loạn về khí hậu ngày càng sâu sắc và sự đói nghèo cùng cực mà không một quốc gia nào bị bỏ qua.

Các ý kiến cũng đánh giá cao vai trò Chủ tịch G20 của Indonesia trong việc ủng hộ các nước đang phát triển, thể hiện qua việc mời Liên minh châu Phi và đại diện các nước đang phát triển tham dự sự kiện. Bên cạnh việc tăng cường chủ nghĩa đa phương và tiếng nói của các nước đang phát triển, các nước tham dự hội nghị đã cùng lên tiếng hối thúc chấm dứt xung đột, tìm kiếm giải pháp cấp bách nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực và năng lượng toàn cầu, cũng như tình trạng khan hiếm phân bón và giá cả hàng hóa tăng cao.

Đại diện nước chủ nhà Indonesia nhấn mạnh: “Trách nhiệm của chúng ta là sớm chấm dứt xung đột và giải quyết các bất đồng trên bàn đàm phán, chứ không phải trên chiến trường”.

Cuộc xung đột tại Ukraine đã được thảo luận tại hầu hết các cuộc gặp song phương bên lề hội nghị. Đại đa số ý kiến đều hối thúc đối thoại, đàm phán hòa bình nhằm giải quyết điểm nóng căng thẳng này.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Guterres cho biết cơ quan này đang làm việc để cho phép lương thực của Ukraine được vận chuyển qua Biển Đen một cách an toàn và đảm bảo, đồng thời tháo gỡ khó khăn để thực phẩm và phân bón của Nga tiếp cận thị trường toàn cầu.

Nhấn mạnh yêu cầu “hành động tối khẩn” nhằm khai thông các tuyến đường vận chuyển lương thực tại Biển Đen, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell đã công bố 3 gói giải pháp.

Cụ thể, EU sẽ huy động hơn 7 tỷ euro từ nay đến năm 2024 để đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, hỗ trợ khả năng chi trả lương thực thông qua việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô ở các nước dễ bị tổn thương.

Bên cạnh đó, EU cũng sẽ thúc đẩy năng lực sản xuất và thích ứng của các hệ thống lương thực; dỡ bỏ mọi rào cản đối với xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp ở châu Âu.

Về thương mại, trong bối cảnh nỗ lực của Liên hợp quốc nhằm khai thông tuyến đường vận tải qua Biển Đen đang bị đình trệ, EU sẽ thúc đẩy các “Làn đường đoàn kết”, giúp Ukraine xuất khẩu ngũ cốc.

Theo các nhà phân tích, thành công của Indonesia trong vai trò “cầm lái” 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới không chỉ ở cách tiếp cận cân bằng, khách quan, lập trường vững vàng và độc lập, giúp dung hòa quan điểm của tất cả các bên và bảo vệ sự thống nhất của cả khối, mà còn ở việc lựa chọn các vấn đề ưu tiên mang tính thời sự và tạo diễn đàn cho các nước phát triển.

Cuối cùng, dù chưa đạt được kết quả cụ thể do mâu thuẫn và đối đầu, hội nghị lần này đã tạo điều kiện để các bên trình bày quan điểm của mình. Điều quan trọng là cánh cửa cho đối thoại và hợp tác vẫn được để ngỏ, ít nhất cho tới cuộc họp các nhà lãnh đạo G20 vào ngày 15-16/11 tới cũng tại Bali.

HỮU CHIẾN

 
.
.
.