Liên hợp quốc phối hợp mở lộ trình vận chuyển lương thực ở Ukraine
Hãng thông tấn quốc gia Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ ngày 3/6 dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết, nước này cùng với Nga, Ukraine và Liên hợp quốc đang chuẩn bị lộ trình mở một hành lang để các tàu vận tải lương thực rời khỏi Ukraine một cách an toàn.
Ngũ cốc sau khi được thu hoạch tại một nông trang ở vùng Odessa (Ukraine). |
Cùng ngày, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu xác nhận, Liên hợp quốc đã đề nghị thiết lập nhóm tiếp xúc 4 bên - gồm Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên hợp quốc - nhằm giải quyết hoạt động di chuyển của các tàu chở ngũ cốc từ các cảng của Ukraine và Ankara đã đồng ý về mặt nguyên tắc với đề nghị của Liên hợp quốc.
Các bên đang có kế hoạch nhóm họp tại Istanbul trong vài ngày tới để thảo luận chi tiết về lộ trình di chuyển an toàn cho những con tàu chở lương thực.
Hội nghị cũng dự định thiết lập một nền tảng tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) nhằm duy trì liên lạc giữa Nga và Ukraine liên quan tới hoạt động di chuyển an toàn của các tàu chở lương thực, với dự kiến khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc được xuất khẩu ra các thị trường thế giới.
Cũng trong ngày 3/6, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố, các tàu chở ngũ cốc có thể rời khỏi các cảng của Ukraine bên bờ Biển Đen thông qua “các hành lang nhân đạo” và Moskva sẵn sàng đảm bảo an toàn cho những con tàu này.
Trước đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hôm 1/6 đã đưa ra cảnh báo rằng, xung đột Nga - Ukraine có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và ảnh hưởng nặng nề nhất đến các nước đang phát triển.
Phát biểu tại buổi họp báo sau cuộc gặp Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson ở thủ đô Stockholm, Tổng Thư ký Guterres cho rằng, xung đột giữa Nga và Ukraine đang gây ra cuộc khủng hoảng toàn cầu về lương thực, năng lượng và tài chính.
Cuộc khủng hoảng này đang ảnh hưởng đến người dân, quốc gia và những nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất. Ông ví đây như “một cơn bão” đe dọa phá hủy nền kinh tế của nhiều nước đang phát triển.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng lương thực không thể được giải quyết một cách hiệu quả khi các loại phân bón và lương thực của Nga, cũng như của Ukraine không thể tiếp cận thị trường thế giới. Do đó, ông kêu gọi nhanh chóng chấm dứt xung đột ở Ukraine.
Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), Nga và Ukraine lần lượt là các nước xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất và lớn thứ 5 thế giới. Hai nước này đóng góp 19% nguồn cung lúa mạch thế giới, 14% lúa mỳ và 4% ngô, chiếm hơn 30% lượng ngũ cốc xuất khẩu trên toàn cầu.
Tại Ukraine - nơi được coi là “vựa” lúa mỳ của châu Âu, xung đột đã khiến lúa mỳ chưa thể thu hoạch được, trong khi các diện tích trồng ngô và hoa hướng dương không được chăm bón đúng cách. Ước tính, sản lượng ngũ cốc của Ukraine vụ mùa này có thể giảm hơn 50%.
Trong khi đó, Nga là nhà sản xuất phân bón hàng đầu, chiếm 13% sản lượng toàn cầu. Việc hoạt động xuất khẩu phân bón của Nga bị hạn chế do các biện pháp trừng phạt của Mỹ đã khiến giá mặt hàng này tăng vọt trên toàn cầu.
Nông dân ở Brazil, Mỹ và các nước nông nghiệp lớn khác phải giảm sử dụng phân bón và tình trạng này có thể ảnh hưởng đến năng suất vụ mùa sau đó.
QUANG ANH