.

Các thành viên OPEC+ nhất trí tăng sản lượng dầu mỏ

Cập nhật: 20:44, 06/05/2022 (GMT+7)

Không nằm ngoài dự đoán, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã nhất trí chỉ tăng sản lượng dầu ở mức khiêm tốn trong cuộc họp tại Vienna (Áo) ngày 6/5.

Một cơ sở khai thác dầu tại Iran.
Một cơ sở khai thác dầu tại Iran.

Bất chấp lời kêu gọi từ các nước phương Tây, các nước thành viên OPEC+ đã nhất trí tăng sản lượng dầu 432.000 thùng/ngày trong vào tháng 6 tới, phù hợp với mục tiêu hiện tại là nới lỏng các chính sách hạn chế sản lượng được thực hiện vào năm 2020, khi đại dịch COVID-19 tác động nghiêm trọng tới nhu cầu năng lượng.

OPEC+ cũng phản đối việc chịu trách nhiệm về sự gián đoạn nguồn cung của Nga, đồng thời cho rằng các biện pháp phong tỏa chống dịch COVID-19 tại Trung Quốc đang ảnh hưởng tới triển vọng tiêu thụ dầu mỏ.

Hai nguồn tin có mặt tại cuộc họp cho biết, các đại biểu đã tránh thảo luận về các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga liên quan chiến dịch quân sự tại Ukraine. Các bên đã kết thúc cuộc họp chỉ trong chưa đầy 15 phút.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh giá dầu tăng cao lên tới 139 USD/thùng vào tháng 3 vừa qua, mức cao nhất kể từ năm 2008, do căng thẳng Nga - Ukraine làm trầm trọng thêm lo ngại về gián đoạn nguồn cung.

Trước đó 1 ngày, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) sẽ thực hiện từng bước lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga trong vòng từ 6-8 tháng.

Lệnh cấm vận dầu mỏ này của EU có thể sẽ buộc Nga phải chuyển hướng dòng chảy sang châu Á và cắt giảm mạnh sản lượng, trong khi EU sẽ phải cạnh tranh để có được nguồn cung sẵn có còn lại. Cả 2 yếu tố này đều có khả năng đẩy giá dầu thô tăng lên.

Tuy nhiên, chuyên gia Callum Macpherson tại Investec nhận định OPEC+ tiếp tục coi đây là vấn đề của phương Tây chứ không phải là vấn đề nguồn cung cơ bản mà tổ chức này phải ứng phó.

Trong một diễn biến có liên quan, ngày 6/5, Bộ Năng lượng Mỹ thông báo sẽ mời thầu mua 60 triệu thùng để bổ sung cho nguồn dầu đã được xuất từ Kho Dự trữ Dầu chiến lược (SPR) mà Tổng thống Joe Biden đã phê duyệt vào đầu mùa Xuân năm nay để ứng phó với giá năng lượng cao.

Quá trình đấu thầu sẽ bắt đầu vào mùa Thu, với mục tiêu bổ sung khoảng 1/3 trong số 180 triệu thùng đã xuất kho sau khi giá dầu tăng mạnh liên quan tới khủng hoảng Nga - Ukraine.

Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm cho biết trong một tuyên bố, Kho SPR, nguồn cung cấp khẩn cấp lớn nhất trên thế giới, là một công cụ có giá trị để bảo vệ nền kinh tế Mỹ và người tiêu dùng khỏi sự gián đoạn nguồn cung - cho dù là do các trường hợp khẩn cấp ở trong nước hay nước ngoài.

Bộ Năng lượng Mỹ cho biết sẽ thực hiện các bước nhằm nới lỏng các quy định mua lại để cho phép đưa giá thầu cạnh tranh hơn trong hệ thống định giá theo chỉ số thông thường được sử dụng để bán dầu từ Kho SPR.

Việc mua lại này tách biệt với việc bán dầu từ Kho SPR nhằm tăng doanh thu do Quốc hội Mỹ ủy nhiệm, mà cơ quan này dự đoán sẽ đạt tổng cộng khoảng 265 triệu thùng từ năm tài chính 2023 đến 2031.

Vào cuối tháng 3/2022, Tổng thống Biden đã công bố đợt "giải phóng" lớn nhất từ trước đến nay từ Kho SPR - với 180 triệu thùng trong vòng 6 tháng - để bù đắp mức giá tăng đột biến bắt đầu nhiều tháng trước đó và do chiến sự ở Ukraine trở nên trầm trọng hơn.

Trước đó, chính quyền Mỹ đã công bố lượng dầu xuất từ Kho SPR thấp hơn là 30 triệu thùng vào tháng 3/2022 và 50 triệu thùng vào tháng 11/2022.

PHƯƠNG OANH

.
.
.