.

EC kêu gọi thoát phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt của Nga

Cập nhật: 15:49, 06/03/2022 (GMT+7)

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 6/3 nói rằng, Liên minh châu Âu (EU) cần hoàn toàn thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt, dầu mỏ và than đá của Nga thông qua việc đa dạng hóa, sử dụng hiệu quả năng lượng và chuyển đổi năng lượng.

Công trình xây dựng đường ống dẫn khí đốt tại bờ biển Tây Jutland, Đan Mạch.
Công trình xây dựng đường ống dẫn khí đốt tại bờ biển Tây Jutland, Đan Mạch.

Bà Ursula von der Leyen nói: “Năng lượng vẫn là một trong những vấn đề quan trọng. EU phải thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ, khí đốt và than đá của Nga. Để làm được điều này, chúng ta cần đa dạng hóa nguồn cung, đạt kết quả tốt hơn về hiệu quả năng lượng và chúng ta phải đầu tư ồ ạt vào các nguồn năng lượng tái tạo”.

Người đứng đầu EC lấy ví dụ về Tây Ban Nha, nước chưa bao giờ là “nhà nhập khẩu nhiên liệu đáng kể của Nga”.

Người đứng đầu EC cũng lưu ý rằng, EU cần hỗ trợ người tiêu dùng đang gặp vấn đề nghiêm trọng với việc giá hydrocacbon ở châu Âu tăng nhiều lần trong giai đoạn 2021-2022.

Theo bà, vấn đề này sẽ trở thành một trong những vấn đề quan trọng tại hội nghị thượng đỉnh EU ở Versailles ngày 10-11/3. Cần lưu ý rằng, hiện nay Nga cung cấp khoảng 40% lượng khí đốt tiêu thụ ở các nước EU và 45% lượng khí đốt nhập khẩu trên thế giới.

Trong một diễn biến khác, trong một tuyên bố ngày 6/3 trên trang Twitter, Tập đoàn Shell của Anh viết: “Hôm qua, chúng tôi đã đưa ra quyết định khó khăn là mua một lô dầu thô của Nga. Các nhà máy lọc dầu của chúng tôi sản xuất xăng và diesel, cũng như các sản phẩm khác mà mọi người sử dụng hàng ngày. Chúng tôi muốn nói rõ rằng, không có nguồn cung cấp dầu thô liên tục đối với các nhà máy lọc dầu, ngành công nghiệp năng lượng sẽ không thể đảm bảo nguồn cung cấp hàng hóa cần thiết ổn định trên khắp châu Âu. Hàng hóa từ các nguồn thay thế không thể đến đủ nhanh để tránh gián đoạn nguồn cung”.

Công ty đảm bảo “sẽ tiếp tục chọn nguồn thay thế cho dầu mỏ của Nga bất cứ khi nào có thể”, nhưng việc thay thế sẽ mất thời gian.

Shell hứa sẽ chuyển lợi nhuận nhận thu được từ dầu mỏ của Nga vào một quỹ đặc biệt, quỹ đó có thể được sử dụng để giúp người dân Ukraine.

Trước đó, Shell đã thông báo rút khỏi tất cả các dự án chung với Nga do tình hình Ukraine.

Cùng ngày, Đức đã tiến hành thêm một bước nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga với việc công bố kế hoạch xây dựng một nhà ga nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự thay đổi chính sách sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Bộ Kinh tế Đức cho biết, Ngân hàng Tái thiết KfW đã ký một biên bản ghi nhớ với nhà sản xuất điện hàng đầu của nước này RWE và nhà điều hành mạng lưới Hà Lan Gasunie để xây dựng nhà ga ở thị trấn cảng Brunsbuettel.

Ông David Arakhamia - một thành viên trong Đoàn đàm phán của Ukraine cho biết, nước này và Nga sẽ tổ chức vòng đàm phán tiếp theo vào ngày 7/3.
Trong thông báo đăng tải trên Facebook, ông Arakhamia: “Vòng đàm phán thứ 3 sẽ diễn ra vào ngày 7/3”.
Cùng ngày, thông báo cho biết, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, nước này sẵn sàng đối thoại với Ukraine, đồng thời bày tỏ hy vọng Kiev sẽ có “quan điểm hợp lý và xây dựng” trong vòng đàm phán thứ 3 giữa hai nước.
Trước đó, Nga và Ukraine đã tổ chức 2 vòng đàm phán, vào ngày 28/2 và 3/3.

Động thái này diễn ra 1 tuần sau khi Đức tuyên bố thay đổi chính sách năng lượng nhằm cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu của Nga, nói rằng LNG, than và thậm chí năng lượng hạt nhân có thể được sử dụng để lấp đầy khoảng trống năng lượng từ Nga.

Đức, quốc gia phụ thuộc nhiều vào Nga về khí đốt và dầu mỏ, cho đến nay vẫn chưa có bến nhập khẩu LNG.

Bộ trên không tiết lộ mức đầu tư để xây dựng ga nhập khẩu LNG là bao nhiêu, song ước tính cần 450 triệu euro (492 triệu USD) để xây dựng và lắp đặt một nhà ga LNG ở Brunsbuettel. Nhà ga này sẽ có công suất là 8 tỷ m3 mỗi năm và sẽ được tiến hành xây dựng nhanh nhất có thể. Ngân hàng KfW sẽ nắm 50% cổ phần vì cung cấp nguồn tài chính, còn RWE sẽ có 10% cổ phần trong nhà ga này.

Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck cho hay, mặc dù mục tiêu của Đức là tạo ra năng lượng theo cách trung hòa carbon, song khí đốt vẫn cần thiết như một nhiên liệu để quản lý quá trình chuyển đổi. Theo ông Robert Habeck, cần phải giảm sự phụ thuộc vào hàng nhập khẩu của Nga càng nhanh càng tốt.

BẢO TRÂN

.
.
.