.
LOÀI NGƯỜI ĐÃ SỐNG SÓT QUA KỶ BĂNG HÀ NHƯ THẾ NÀO?

Kỳ 1: Những phát minh thần kỳ

Cập nhật: 20:27, 07/01/2022 (GMT+7)

Cách đây 21-24 ngàn năm, khi các tảng băng khổng lồ bao phủ toàn bộ lục địa Bắc Mỹ, Bắc Âu thì tổ tiên của chúng ta từ châu Phi di cư đến, đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nhiệt độ xuống thấp mà các nhà khoa học ngày nay gọi đó là “Kỷ băng hà”. Vậy bằng cách gì mà con người ở Kỷ băng hà đã sống sót?

Tranh vẽ trong hang động Lascaux mô tả cách người Homo Sapien bắt ngựa hoang, tuần lộc.
Tranh vẽ trong hang động Lascaux mô tả cách người Homo Sapien bắt ngựa hoang, tuần lộc.

1. Theo các nhà khoa học, trái đất đã trải qua 4 kỷ băng hà và kỷ lâu nhất kéo dài 100 ngàn năm còn kỷ băng hà cuối cùng xảy ra cách đây 21-24 ngàn năm. Thời điểm ấy, tổ tiên chúng ta được gọi là Homo Sapien với cái đầu to và bộ não lớn, đi bằng hai chân như người hiện đại nhưng thay vì chỉ tru, hú hoặc gào thét đơn âm như nhiều động vật khác, họ biết nói và biết diễn tả những suy nghĩ của mình qua lời nói, cử chỉ thân thể, tranh vẽ.

Ngoài ra họ còn biết nhảy múa, biết tạo ra âm nhạc bằng những vật dụng như vỏ ốc (làm kèn), da thú (làm trống)… Những khám phá về các hình vẽ phức tạp bên trong các hang động ở Lascaux và Chauvet, Pháp, do người Homo Sapien thực hiện vào Kỷ băng hà cuối cùng đã cho thấy sự hiểu biết sâu sắc của họ về thế giới tự nhiên, đặc biệt là các loài động vật mà họ thường săn bắt để sinh tồn.

Dựa vào những hình vẽ này và rất nhiều những hình vẽ khác trong những hang động ở Bắc Mỹ, Na Uy, Tây Ban Nha, Đan Mạch…, các nhà cổ sinh học đã dựng lại bức tranh mô tả người Homo Sapien làm thế nào vượt qua cái lạnh khắc nghiệt thường xuyên từ -50 độ đến -90 độ, kéo dài suốt 40 ngàn năm.

Giáo sư Brian Fagan, giảng viên Khoa Nhân chủng học, Đại học Santa Barbara, bang California, Mỹ, là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có “Cro Magnon: Kỷ băng hà đã sinh ra loài người hiện đại đầu tiên như thế nào?” và “Tổ tiên chúng ta trong Kỷ băng hà cuối cùng”, giải thích: “Bộ não lớn của người Homo Sapien là một lợi thế quan trọng vì nó hình thành tư duy dựa trên những hiện tượng xảy ra chung quanh. Họ có trí nhớ để biết những loại động, thực vật nào có thể ăn được và cũng từ trí nhớ, họ biết những loại thức ăn ấy có thể tìm thấy ở đâu. Bên cạnh đó, họ còn có thể giao tiếp với những người khác ngoài bộ tộc và chính sự giao tiếp ấy đã cung cấp thêm cho họ các kỹ năng sinh tồn…”.

2. Cho đến nay, nguyên nhân tạo ra các Kỷ băng hà vẫn còn gây tranh cãi mặc dù hầu hết các nhà khoa học đều đồng ý rằng nó là sự tổng hợp của ba yếu tố khác nhau: Một là thành phần khí quyển của trái đất sau khi bị hàng ngàn thiên thạch đâm vào, dẫn đến hiện tượng tỉ lệ khí carbonic, metan tăng lên rất cao, bề mặt trái đất ở một số vùng không nhận đủ ánh nắng cần thiết khiến băng tuyết phát triển.

Hai là sự thay đổi của quỹ đạo trái đất quay quanh mặt trời cũng đưa đến tình trạng nơi nắng nhiều, nơi nắng ít và ba là sự chuyển dịch vị trí của các lục địa.

Điều này được chứng minh qua việc các lục địa lớn như Bắc Mỹ, châu Âu, châu Đại Dương đều nằm gần Bắc cực hoặc Nam cực. Với diện tích bề mặt lớn, các lục địa nói trên hội đủ yếu tố cần thiết để tạo ra Kỷ băng hà. Hơn nữa, sự thay đổi độ nghiêng của trục trái đất đã khiến việc phân bố lượng ánh sáng mặt trời cũng thay đổi.

Khảo sát các lõi băng khoan tại nhiều vùng trên trái đất mà xưa kia nằm trong Kỷ băng hà, các nhà khoa học nhận thấy khối lượng ánh sáng mặt trời ở 65 độ vĩ bắc vào tháng 12 thay đổi khoảng 25% - nghĩa là từ 500 W/m2 trong mùa Hè xuống còn 125 W/m2. Sự thay đổi quá yếu đã khiến lượng băng tuyết ngày càng dày hơn và lan rộng hơn.

Giáo sư Brian nói: “Nhưng ngay cả trong mùa Hè, khối lượng ánh sáng 500 W/m2 cũng chỉ có thể làm tan chảy khoảng 0,6m lớp băng bề mặt và đó cũng là nguyên nhân hình thành các khối băng vĩnh cửu, tồn tại đến ngày nay”.

Ở Kỷ băng hà cuối cùng tương ứng với thời kỳ đồ đá cũ, mực nước biển trên trái đất thấp hơn 120m so với hiện tại. Khi đó chưa có eo biển Bering nên người Homo Sapien có thể thực hiện những chuyến đi bộ từ bắc Mỹ sang châu Á và từ châu Á đến châu Úc cũng chỉ cần vài chiếc bè bởi lẽ sự ngăn cách giữa Indonesia và Australia chỉ là một vụng biển nhỏ. Tương tự như vậy, do không có eo biển Torres và eo biển Bass nên người Homo Sapien đi bộ từ New Guinea đến Australia rồi từ đó họ tiếp tục đến Tasmania.

Các di chỉ khảo cổ tìm được ở vùng này cho thấy chuyến đi có thể kéo dài hàng chục năm và không ít người đã bỏ mạng. Trong một hang lớn ở Boundary, cực bắc Tasmania, các nhà khảo cổ tìm thấy nhiều con dao, mũi lao làm bằng xương voi ma mút cùng nhiều xương ống chân, hộp sọ người Homo Sapien còn khá nguyên vẹn.

Các xét nghiệm bằng phương pháp phóng xạ đồng vị cho thấy trên các vách đá trong hang, có dấu vết của carbon chứng tỏ họ đã đốt lửa để sưởi ấm. Tại làng Kostenki cách Moscow, Nga, khoảng 500 km về phía Nam, những nhà khảo cổ tìm thấy một khu vực rộng 80m2, gồm 4 bức tường dựng bằng 51 chiếc hàm dưới và 64 hộp sọ voi ma mút. Kết quả phân tích xương và hộp sọ cho thấy nó đã có hơn 20 ngàn năm tuổi.

Bên cạnh đó họ còn tìm thấy một lượng nhỏ xương tuần lộc, ngựa, gấu, sói, cáo đỏ và cáo Bắc cực cùng dấu vết của gỗ bị đốt cháy, chưa kể một số tàn tích hóa thạch mà sau khi phân tích bằng phương pháp đối chiếu AND, các nhà khoa học tin rằng người Homo Sapien đã biết cách sấy khô thịt, ướp muối rồi xông khói cho các loại cá để có thể để dành dài ngày.

Tuy nhiên, điều khiến các nhà khảo cổ kinh ngạc nhất là người Homo Sapien biết sử dụng lửa. Những hình vẽ trong các hang động ở vùng đại hồ (Great Lake), nay thuộc bang Michigan, Mỹ, cho thấy một trận cháy rừng do sét đánh và người Homo Sapien đã lấy lửa để sưởi ấm đồng thời còn biết cách dùng than để mang lửa đi theo trong những cuộc viễn du tìm vùng đất mới…

(Còn nữa)

VŨ CAO (Theo Natural Siences)

.
.
.