Không khí ô nhiễm tại đa số thành phố trên thế giới
Theo một nghiên cứu gần đây đăng tải trên tạp chí Lancet Planetary Health, 86% cư dân tại các thành phố trên khắp thế giới, tương đương khoảng 2,5 tỷ người, đang hít thở không khí chứa nồng độ bụi mịn PM2.5 cao hơn mức khuyến cáo độc hại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Bụi mịn PM2.5 thường được tạo ra từ hoạt động đốt cháy nhiên liệu. Với kích thước nhỏ hơn sợi tóc người từ 20 đến 30 lần, các hạt bụi mịn PM2.5 có thể thâm nhập sâu vào máu, gây ra các bệnh về phổi, mạch máu và tim.
Tác giả chính của nghiên cứu trên, bà Veronica Southerland tại Đại học George Washington cho biết: “Phần lớn dân số thành thị trên thế giới sống trong những khu vực có nồng độ bụi mịn PM2.5 gây hại cho sức khỏe”.
Nghiên cứu của bà Veronica Southerland và các cộng sự chỉ ra rằng ô nhiễm liên quan đến việc đốt nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân khiến trên thế giới có thêm 1,8 triệu người tử vong trong năm 2019.
Trong khi đó, theo một nghiên cứu khác cũng được công bố trên tạp chí Lancet, ô nhiễm đặc biệt tác động nặng nề tới trẻ em. Nghiên cứu này cho thấy khí nitơ dioxide (NO2) phát thải trong quá trình đốt nhiên liệu trong ô tô và tại các nhà máy điện là nguyên nhân khiến có thêm gần 2 triệu trẻ em mắc hen suyễn. Tuy nhiên, có những tín hiệu tích cực khi các nỗ lực làm sạch đường phố và các khu công nghiệp ở Mỹ và châu Âu đã giúp giảm tỷ lệ trẻ mắc bệnh hen suyễn do NO2 từ 20% xuống còn 16% trong hai thập kỷ từ năm 2000-2019.
Nhà nghiên cứu Susan Anenberg tại Đại học George Washington nhấn mạnh các phát hiện trên cho thấy không khí sạch phải là một phần quan trọng trong các chiến lược nhằm đảm bảo sức khỏe cho trẻ em.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu thứ ba được công bố trên tạp chí Lancet trong tháng 1 này, ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch vẫn dẫn tới tử vong và gây thiệt hại, ngay cả ở mức độ 5 µg/m3 mà Cơ quan Bảo vệ môi trường, Liên minh châu Âu và WHO cho là an toàn. Nghiên cứu đã xem xét các tác động khi con người hít thở không khí chứa nồng độ NO2, ozone, bụi mịn và carbon đen ở mức thấp. Đây là các chất phát thải trong quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch từ ô tô và các nhà máy điện. Kết quả cho thấy việc tiếp xúc lâu dài với các chất ô nhiễm trên tỷ lệ thuận với số ca tử vong do ung thư phổi và bệnh đường hô hấp.
Dù kết quả phân tích có những điểm khác nhau, nhưng tất cả các nghiên cứu trên đều nhấn mạnh tính cấp thiết của việc cải thiện chất lượng không khí đô thị, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong và xung quanh các thành phố.
Nhà nghiên cứu Robert Hughes tại Trường Y học nhiệt đới và Vệ sinh dịch tễ London nhấn mạnh dù các thành phố thực hiện các chính sách khác nhau, nhưng mục tiêu chung là cần giảm triệt để việc đốt nhiên liệu hóa thạch ở khắp mọi nơi bằng cách loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang dùng năng lượng tái tạo trong nhiều hoạt động của đời sống.
ĐẠI THẮNG