Dự trữ tại các cơ sở khí đốt của châu Âu giảm xuống dưới 50%
Theo số liệu từ Hiệp hội Công nghiệp cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu cho thấy, dự trữ khí đốt của châu Âu đã giảm xuống 49,3% tính đến ngày 12/1 vừa qua. Trong khi năm 2021, mức này là 63,5% và giảm xuống dưới 50% vào ngày 3/2.
Hệ thống đường ống dẫn khí đốt "Dòng chảy Balkan" ở Serbia. |
Phát ngôn viên của Cơ quan dự trữ khí đốt Séc, Simona Hladíková cho biết: “Tình trạng tồn kho hiện tại tương ứng với tình hình từ đầu mùa khai thác, chúng tôi đã đáp ứng đầy đủ tất cả các yêu cầu của khách hàng là các nhà kinh doanh khí đốt tự nhiên”.
Tuy nhiên, theo chuyên gia bình luận về năng lượng của Bloomberg Javier Blas, không có gì nguy hiểm khi các bồn chứa sẽ hết sạch vào cuối mùa Đông và người châu Âu sẽ không còn gì.
Cuộc khủng hoảng khí đốt đang được xoa dịu ở châu Âu nhờ thời tiết tương đối ôn hòa. Có nhiều lo ngại dự trữ dưới mức 50% sẽ vào dịp năm mới, nhưng giao thừa ấm áp như mùa Xuân đã giúp ngăn chặn viễn cảnh này. Dự kiến, các đợt băng giá sẽ không đến châu Âu trong những tuần tới.
Chuyên gia Blas cho rằng, ngày 28/1 tới thường là một bước ngoặt của mùa Đông châu Âu, sau đó bắt đầu ấm lên. Ông dự đoán: "Những ngày có thời tiết ấm sau ngày này là gần với mùa Xuân và giá trên thị trường khí đốt giảm nhẹ".
Tập đoàn chuyên cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu Gazprom của Nga, cho biết: "Theo Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu, hơn một nửa lượng khí đốt được giao cho các cơ sở dự trữ của châu Âu trong năm ngoái đã được tiêu thụ hết”.
Điều cần lưu ý rằng, lượng lấp đầy các bể chứa ngầm trong năm ngoái chưa bao giờ đạt trên 80%, cao nhất là vào thời điểm tháng 10 và tháng 11/2021 đạt khoảng 77%. Theo Gazprom, dự trữ khí đốt trong các cơ sở của châu Âu hiện đang thấp nhất trong mùa kể từ khi được thống kê.
Chính công ty năng lượng khổng lồ của Nga cũng can dự vào toàn bộ tình trạng này. Đường ống Yamal đã không vận chuyển khí đốt đến Đức trong 23 ngày. Mặc dù Gazprom đã hoàn thành các nghĩa vụ hợp đồng với khách hàng châu Âu, nhưng Gazprom không cung cấp khí đốt trên thị trường giao ngay ngoài các hợp đồng dài hạn như những năm trước.
Nhiều chỉ trích cho rằng, Kremlin đang cố tình đặt cuộc khủng hoảng khí đốt châu Âu vào tình thế của những tranh chấp địa chính trị đối với tương lai của Ukraine.
Giá khí đốt ở châu Âu hiện vào khoảng 90 euro/MWh. Theo thời điểm trước, đây là con số trên mức trung bình, thay vì 1MWh có giá 188 euro vào tháng 12/2021.Giá khí đốt chỉ bắt đầu giảm sau ngày Giáng sinh, hay sau khi các tàu chở khí đốt hóa lỏng của Mỹ cập cảng.
Theo Financial Times, giá khí đốt đã tăng 800% vào năm 2021. Năm ngoái, các nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên được bán với giá 18 euro/MWh.
HỒNG KỲ