.

30,8 triệu USD cho bản vẽ chiếc máy tính của thiên tài Leonardo Da Vinci

Cập nhật: 20:04, 21/01/2022 (GMT+7)

Là họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư, nhạc sĩ, bác sĩ, kỹ sư, nhà phát minh và nhà triết học, Leonardo da Vinci, người Italia được xem là thiên tài toàn năng nhất lịch sử nhân loại. Ông để lại cho hậu thế những kiệt tác, chẳng hạn như bức vẽ nàng Mona Lisa cùng nhiều phác thảo các loại máy móc, trong đó có những loại đã trở thành sự thật.

Một trang trong cuốn sổ của Da Vinci (ảnh nhỏ) Kiệt tác Mona Lisa.
Một trang trong cuốn sổ của Da Vinci (ảnh nhỏ) Kiệt tác Mona Lisa.

Trải qua nhiều thế hệ, cuốn sổ có bản vẽ của Da Vinci về chiếc máy tính cá nhân đầu tiên của nhân loại đã được Bill Gates, người sáng lập tập đoàn Microsoft mua với giá 30,8 triệu USD…

Theo người cháu đời thứ 9 của Leonardo Da Vinci là ông Leonardo Visetti thì sau khi Da Vinci qua đời năm 1519 ở lâu đài Clos Luce, vùng Amboise, Pháp, những tác phẩm hội họa của ông bị chia năm sẻ bảy, nhiều bức ông tặng bạn bè hoặc bán cho những nhà sưu tập - trong đó kiệt tác Mona Lisa chỉ được bán với giá 505 lira (tiền Italia). Riêng 30 cuốn sổ có nhiều phác thảo thuộc nhiều chủ đề khác nhau được giao cho Francesco Meizi, học trò ông, đáng kể nhất là 9 cuốn sổ có những bản vẽ chi tiết về giải phẫu cơ thể người, máy bay cánh bằng, máy bay trực thăng, xe tăng, dù lượn, hệ thống bơm nước từ dưới thấp lên cao... Hầu hết chúng đều bị lãng quên hoặc bị hủy hoại theo thời gian.

Từ đó, chẳng ai biết những cuốn sổ ấy trôi giạt nơi đâu cho đến năm 1690, họa sĩ Giuseppi Ghezzi tìm thấy 1 cuốn trong chiếc rương đựng giấy của Guglielmo Della Porto, nhà điêu khắc xứ Milan, Italia. Năm 1717, Thomas Coke, bá tước xứ Leicester, Anh quốc, mua lại cuốn sổ, đặt tên cho nó là Leicester Codex rồi đưa vào bộ sưu tập nghệ thuật của mình.

Ngày 17/12/1903, khi anh em nhà Wright thực hiện chuyến bay đầu tiên trên thê giới bằng máy bay tại Kill Devil, hạt Kitty Hawk, bang North Carolina, Mỹ, thì một nhà sưu tập người Italia là Andrea Verchio mới chợt nhớ ra rằng trong cuốn sổ của Leonardo Da Vinci mà ông đã từng nhìn thấy ở bộ sưu tập của Bá tước Coke, có các bức phác thảo một vật thể bay, hình dạng tương tự như chiếc máy bay của anh em nhà Wright. Sau đó, ông mượn thân nhân của Bá tước Coke cuốn sổ rồi đem khoe với bạn bè. Tất cả đều công nhận rằng ý tưởng của Da Vinci đã đi trước thời đại.

Ngày 12/12/1980, nhà tài phiệt dầu mỏ người Mỹ là Armand Hammer mua cuốn sổ Leicester Codex trong cuộc bán đấu giá do gia đình Bá tước Coke tổ chức với số tiền 5.126.000USD. Vài ngày trước buổi đấu giá, các chuyên gia nghệ thuật cũng như báo chí dự đoán cao nhất nó cũng chỉ khoảng 7 triệu USD nhưng thực tế, cuộc đấu giá khởi điểm với 1,4 triệu USD và chưa đầy hai phút, nó đã được nâng lên 5.126.000USD, Hammer là người thắng cuộc. Ông nói: “Tôi rất hài lòng với mức giá ấy. Tôi dự kiến ​​sẽ phải trả nhiều hơn. Không có tác phẩm nghệ thuật nào trên thế giới mà tôi lại ao ước như cuốn sổ này”. Gia đình Bá tước Coke cho biết họ buộc phải bán Leicester Codex vì tình hình kinh tế gia đình sa sút, nợ nần đầm đìa.

Theo các chuyên gia khảo cổ, cuốn sổ ghi chép Leicester Codex được Leonardo Da Vinci viết năm 1508, là một trong số 30 cuốn tương tự mà Da Vinci đã viết trong suốt cuộc đời ông với nhiều chủ đề khác nhau. Cuốn Leicester Codex có 72 trang và 300 hình vẽ, ghi chú chi tiết bằng mực màu nâu. Hầu hết đều liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật. Ngoại trừ một số các phác thảo mà sau đó đã trở thành hiện thực như máy bay cánh bằng, máy bay trực thăng, xe tăng, dù lượn, tên lửa đẩy, tàu vũ trụ, chiếc nỏ có thể bắn ra hàng loạt mũi tên.., còn khá nhiều hình vẽ khác không ai hình dung được vì những ghi chú của Leonardo Da Vinci trên những hình này rất sơ sài.

Sau khi mua cuốn Leicester Codex, Hammer đổi tên nó thành Hammer Codex. Lúc chiếc máy tính cá nhân (PC) đầu tiên trên thế giới của hãng IBM ra đời vào 1981 với tên gọi Acorn, có các chức năng gần như những loại PC hiện tại và khi nhìn thấy kết cấu của nó, Hammer mới nhận ra rằng trong cuốn Hammer Codex mà ông đang sở hữu, có 6 hình vẽ mô tả một vật tương tự như chiếc máy tính của IBM nhưng vì nhiều lý do, ông giữ kín chuyện này.

Mãi đến năm 1988, Hammer mới đem cuốn sổ đến Viện công nghệ Massachusetts, Mỹ,  (Massachusetts Institute of Technology - gọi tắt là M.I.T) để nhờ nơi này nghiên cứu. Kết quả cho thấy những hình vẽ và ghi chú mô tả của Leonardo Da Vinci giống chiếc máy tính Acorn đến 90% về kết cấu và nguyên lý hoạt động, chỉ có khác là nó vận hành bằng tay thay vì bằng điện!

Khi Hammer qua đời năm 1990, ông tặng cuốn Hammer Codex và một số tác phẩm khác cho Bảo tàng nghệ thuật và trung tâm văn hóa Đại học California tại Los Angeles, bang California, Mỹ. Đến năm 1994, bảo tàng dự định bán đấu giá cuốn sổ Hammer Codex với lý do trang trải các chi phí pháp lý phát sinh khi Frances, cháu gái của vợ Hammer cũng đã chết, là người thừa kế duy nhất, kiện Hammer tạo dựng chứng cứ lừa cô ra khỏi nhà để khỏi phân chia tài sản.

Vụ kiện kéo dài trong nhiều năm vì cả Hammer và vợ ông đều không còn sống để đối chất nhưng cuối cùng Bảo tàng nghệ thuật và trung tâm văn hóa Đại học California thắng kiện. Sau đó họ bán cuốn Hammer Codex cho một người dấu tên. Tại buổi đấu giá ở thành phố New York, người này đã trả 30,8 triệu USD để có được cuốn sổ. Về sau báo chí mới xác định người dấu tên là Bill Gates, sáng lập tập đoàn công nghệ thông tin Microsoft. Mua xong cuốn sổ, Bill Gates khôi phục lại cái tên nguyên thủy: Leicester Codex. Theo Bill Gates, ông trả số tiền ấy với mục đích chỉ để sở hữu 6 trang bản vẽ chiếc máy tính cá nhân đầu tiên của nhân loại mà thôi.

Và cũng kể từ đó, được sự đồng ý của Bill Gates, nhiều bảo tàng đã mượn cuốn Leicester Codex để trưng bày cho công chúng chiêm ngưỡng. Một số các nhà nghiên cứu lịch sử nói rằng 6 trang bản vẽ máy tính của Leonardo Da Vinci không phải là chiếc máy tính cá nhân đầu tiên của nhân loại, mà là chiếc bàn tính của người Trung Hoa, ra đời từ năm 1.200 trước Công nguyên nhưng đến tận ngày nay, những chiếc bàn tính ấy chỉ dùng để tính toán trong khi bản vẽ máy tính của Da Vinci được các nhà khoa học ở Viện công nghệ Massachusetts khẳng định không những nó chỉ tính toán, mà còn viết ra được những ký tự…

VŨ CAO (Theo History)

.
.
.