Coca-Cola và ông già Noel!
Lễ Giáng sinh đã xuất hiện từ cách đây gần 2.000 năm nhưng mãi đến năm 1822, nhân loại mới có khái niệm về “Ông già Noel”. Tuy nhiên hình tượng Ông già Noel mà hiện tại ai cũng quen thuộc chỉ xuất hiện 90 năm trước, khởi đầu bằng một chiến dịch quảng cáo của Công ty nước giải khát Coca-Cola. Cũng nhờ hình tượng này, Coca-Cola vừa hốt bạc, vừa trở nên nổi tiếng.
Ông già Noel do Thomas Nast vẽ năm 1860 và Ông già Noel của hãng Coca-Cola năm 1964. |
Là nhân vật huyền thoại, sự xuất hiện của Ông già Noel dựa trên cuộc đời của một giám mục Thiên Chúa giáo là Nicholas, sống ở Hy Lạp hồi giữa thế kỷ thứ IV. Lúc ấy, cứ đến Giáng sinh, giám mục Nicholas lại tổ chức tặng quà cho trẻ em ngoan, siêng đi lễ nhà thờ, biết giúp đỡ cha mẹ và những người chung quanh. Sau khi Nicholas qua đời, ông được giáo hội La Mã phong thánh nên ông được gọi là Saint Nicholas.
Dần dà, truyền thống tặng quà ngày Giáng sinh lan sang các nước khác. Ở Anh quốc, Saint Nicholas được gọi là Father Chrismast, ở Hà Lan là Sinterklaas còn ở Pháp là Pere Noel, ở Phần Lan là Joulupukki, Mỹ là Santa Claus, Nga là Ông già Tuyết… nhưng phổ biến hơn cả vẫn là “Ông già Noel”.
Theo truyền thuyết, vào nửa đêm Giáng Sinh, Ông già Noel ngồi trên xe trượt tuyết, được kéo bởi 4 con tuần lộc đến nhà những đứa trẻ ngoan rồi theo ống khói lò sưởi chui xuống. Trước đó, những đứa trẻ này đã đặt một chiếc vớ lớn cạnh lò sưởi để ông Noel bỏ quà vào. Dĩ nhiên, những món quà ấy là của cha mẹ chúng nhưng hầu hết trẻ con phương Tây đều tin Ông già Noel là có thật và đến bây giờ, mỗi dịp Giáng sinh về, rất nhiều trẻ vẫn viết thư gửi Ông già Noel, trong đó chúng kể những việc tốt mà mình đã làm trong năm để xin quà!
Năm 1822, lần đầu tiên Ông già Noel xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khi ấy, để tặng các cô con gái của mình trong dịp lễ Giáng sinh, Clement Clarke Moore, nhà thơ Mỹ đã viết bài thơ “A Visit from St. Nicholas - Một chuyến viếng thăm của thánh Nicholas”, trong đó ông mô tả Noel là “một người đã già, thân hình nhỏ bé để có thể chui lọt vào ống khói, điều khiển xe tuần lộc, đem quà tặng cho những đứa bé ngoan ngoãn…”.
Năm 1860, Thomas Nast, họa sĩ nổi tiếng chuyên vẽ minh họa cho các tờ báo lớn ở Mỹ là người đầu tiên dựng hình Ông già Noel với ghi chú “nhà ông ở Bắc Cực”. Trong bức vẽ in trên tờ Harper’s Weekly, Ông già Noel là người mập mạp với bộ râu trắng như tuyết, vai khoác túi quà. Và do Thomas Nast khẳng định “nhà ông ở Bắc cực” nên ông mặc cái áo khoác bằng da, có lẽ cho đỡ lạnh!
Năm 1920, Công ty nước giải khát Coca-Cola bắt đầu khai thác hình tượng Ông già Noel. Trong một quảng cáo đăng trên tờ The Saturday Evening Post, Ông già Noel của Coca-Cola nhìn chẳng khác gì Ông già Noel của họa sĩ Thomas Nast. Cũng cái áo khoác da, thân hình béo tốt, bộ râu bạc trắng trên khuôn mặt nhân hậu. Đến năm 1930, Ông già Noel được họa sĩ Fred Mizen thể hiện trên bức tường bằng kính của cửa hàng thực phẩm Famous Barr Co. ở thành phố St. Louis, bang Missouri, Mỹ. Trong hình này, Ông già Noel vẫn khoác áo da, vai đeo túi quà nhưng trên tay cầm 1 chai nước giải khát Coca-Cola. Tuy nhiên, nó vẫn chưa phải là bức hình mà ngày nay đã trở thành phổ biến.
Năm 1931, khi chuẩn bị một dự án quảng cáo lớn, Coca-Cola thuê họa sĩ Haddon H. Sundblom, người chuyên vẽ minh họa cho công ty D’Arcy Agency, thiết kế một ông già Noel “chưa từng có từ trước đến nay”. Dựa vào một số chi tiết trong bài thơ A Visit from St. Nicholas của Moore, Sundblom đưa ra hình ảnh ông già Noel mà ngày nay được mặc định là “chuẩn”: Phương phi, béo tốt, râu tóc trắng xóa, mặc quần áo màu đỏ viền trắng như màu truyền thống của nước giải khát Coca-Cola! Nó ra mắt lần đầu tiên trên các trang quảng cáo của các tờ báo The Saturday Evening Post, Ladies Home, National Geographic, The New Yorker…
Từ đó đến năm 1964, các chiến dịch quảng cáo của Coca-Cola vào mùa Giáng sinh đều sử dụng hình ảnh này. Cũng gần cuối năm 1964, Sundblom vẽ phiên bản ông già Noel cuối cùng và được dùng cho đến ngày nay. Lần này, Sundblom không dựa vào những mô tả về Ông già Noel trong bài thơ của Moore nữa, mà lấy từ hình ảnh của người bạn thân ông là Lou Prentiss, một nhân viên bán hàng đã nghỉ hưu. Hai đứa trẻ xuất hiện cùng ông già Noel trong bức tranh năm 1931 là hai bé gái hàng xóm nhưng trong bản vẽ năm 1964, Sundlom biến một đứa thành bé trai, còn con chó trong bản vẽ là con chó xù lông xám của người bán hoa gần nhà. Tuy nhiên, để chú chó nổi bật trên nền tuyết trắng xóa, Sundblom đã biến nó thành màu đen.
Sự xuất hiện của Ông già Noel trong những bức tranh quảng cáo đã khiến doanh số bán hàng của Coca-Cola tăng vọt. Một số hãng đồ chơi cũng ăn theo bằng cách làm ra Ông già Noel bằng vải nhồi bông hoặc bằng cao su, thậm chí là bằng đất nung hoặc bằng gỗ. Nhưng dù là chất liệu gì chăng nữa, hình dạng Ông già Noel vẫn không thay đổi với bộ quần áo nhung đỏ viền trắng, đi ủng da, vai khoác túi quà, đội mũ trùm đầu vả dĩ nhiên là bán rất chạy. Thậm chí hãng đồ chơi X-Mas Toys chỉ sản xuất 1 mặt hàng duy nhất là chiếc vớ để Ông già Noel tặng quà cũng bán được cả triệu sản phẩm mỗi khi Giáng sinh về.
90 năm trôi qua kể từ khi bức vẽ cuối cùng về Ông già Noel ra mắt trên tờ The Saturday Evening Post thì cứ đến tháng 12, hình tượng của ông vẫn đều đặn xuất hiện trên những cây thông, những bưu thiếp, những món đồ chơi, trên phim ảnh, sách báo, âm nhạc, hội họa… Nhà nghiên cứu Christopher Culloch thuộc Khoa Lịch sử, đại học Yale, Mỹ, nói: “Hiếm có một nhận vật nào đi ra bằng trí tưởng tượng lại sống dai như Ông già Noel. Từ châu Mỹ đến châu Âu, châu Á, châu Phi hay châu Úc, bạn đều có thể bắt gặp ông già Noel ở mọi nơi. Ngay cả những quốc gia tuyệt đại đa số dân cư theo đạo Phật hoặc đạo Hồi, Ông già Noel cũng vẫn tồn tại”.
Một thống kê của Bưu điện Mỹ cho thấy từ năm 1965 đến nay, trung bình mỗi năm họ nhận được hơn 1 triệu lá thư của trẻ em Mỹ gửi ông già Noel vào dịp Giáng sinh, đa số đều ghi địa chỉ người nhận ở… Bắc cực nhưng cũng không thiếu những thư chỉ có dòng chữ “Santa Claus”. Tuy nhiên tất cả những lá thư ấy đều được trả lời bởi những người tình nguyện ở các bang trên toàn nước Mỹ. Tom Field, một tình nguyện viên ở Los Angeles, bang California nói: “Nột dung thư trả lời đều khuyên các em ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ, thương yêu sinh vật, bảo vệ thiên nhiên và vâng lời cha mẹ. Thật khó để xóa bỏ niềm tin của trẻ em về Ông già Noel vì thế giới này vẫn cần lan tỏa những điều tốt…”.
VŨ CAO
(Theo History of Santa Claus)