Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với các tập đoàn lớn của Nhật Bản
Sáng 24/11, tại Tokyo, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự cuộc gặp, làm việc với lãnh đạo các tập đoàn lớn của Nhật Bản trong lĩnh vực chuyển đổi số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính với các DN Nhật Bản trong lĩnh vực chuyển đổi số. |
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cùng với ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, chuyển đổi số là xu thế lớn của thế giới và đại dịch COVID-19 càng thúc đẩy chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn ở nhiều quốc gia.
Nêu rõ, Việt Nam có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế và chuyển đổi số, nổi bật là nền kinh tế tăng trưởng nhanh, có độ mở cao, thể hiện qua việc đã ký 17 hiệp định thương mại tự do với hơn 60 nền kinh tế, trong đó có các thị trường lớn như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc; EU, ASEAN…
Khả năng của Việt Nam trong thích ứng và đón nhận các xu thế phát triển lớn trên thế giới, bao gồm công nghệ số, chuyển đổi số là rất rõ rệt. Việt Nam đã có Chương trình chuyển đổi số quốc gia tới năm 2025 và định hướng tới năm 2030, với 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Trong quá trình đó, Việt Nam xác định người dân là trung tâm, là chủ thể, và Việt Nam đang sở hữu cơ cấu dân số vàng với lực lượng lao động trẻ đông đảo, nhanh nhạy và giàu tiềm năng để thực hiện chuyển đổi số.
DN và người dân Việt Nam tích cực hưởng ứng và tham gia quá trình chuyển đổi số trong khi ngành công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông đang phát triển mạnh.
Cho biết, đóng góp của kinh tế số vào nền kinh tế Việt Nam đang tăng rất nhanh. Đặt mục tiêu kinh tế số đóng góp 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.
Chương trình chuyển đổi số của Việt Nam gắn kết chặt chẽ với chương trình tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu…, hướng tới mục tiêu cuối cùng là ấm no và hạnh phúc của người dân, phù hợp với xu thế của thế giới…
Trả lời câu hỏi của các DN, Thủ tướng cho biết thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế chuyển đổi số trên cơ sở xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Đây là việc rất quan trọng bởi bất cứ sự chuyển đổi nào cũng đòi hỏi phải có thể chế phù hợp.
Cùng với đó, Việt Nam đã có chương trình đào tạo nguồn nhân lực, trước hết là nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động của người dân về tầm quan trọng của chuyển đổi số... Thủ tướng nhấn mạnh: “Chuyển đổi số không chỉ có sự dẫn dắt của Chính phủ mà còn có sự tham gia của người dân và DN, lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể, mọi chính sách phải hướng tới người dân và DN, người dân và DN tham gia vào quá trình chuyển đổi số”.
Thủ tướng cũng cho biết Việt Nam dành nguồn lực tài chính phù hợp, hiệu quả, khoa học cho chuyển đổi số; đầu tư về công nghệ, nâng cao năng lực quản trị quốc gia. Nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh hợp tác công-tư trong bối cảnh nguồn lực nhà nước có hạn, cần dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực trong xã hội.
Về một số vấn đề cụ thể mà các đại biểu quan tâm, Thủ tướng chia sẻ chủ trương của Việt Nam là hiện đại hóa nhanh lĩnh vực tài chính, ngân hàng để các lĩnh vực này đi đầu trong chuyển đổi số. Khẳng định: “Cũng như các quốc gia, Việt Nam có cách tiếp cận riêng, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình, nhưng không tách rời cách tiếp cận chung của thế giới, bởi chỉ như thế thì chúng ta mới có thể hợp tác được”.
Phát biểu tại cuộc gặp, Thứ trưởng TT-TT Nguyễn Huy Dũng cho biết thêm đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số tại Việt Nam. Trong 20 năm, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mới đạt 12%, nhưng chỉ trong một quý trong thời gian xảy ra dịch COVID-19, tỷ lệ này đã tăng gấp đôi lên 24%.
Việt Nam có 80% HS, SV học trực tuyến, cao hơn mức trung bình (hơn 60%) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Nhấn mạnh một đặc điểm của tài nguyên dữ liệu là càng nhiều người dùng càng sinh ra dữ liệu, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều thể chế, chính sách thúc đẩy phát triển dữ liệu, đạt mục tiêu lọt vào top 50 quốc gia dữ liệu mở vào năm 2025, top 30 vào năm 2030.
Chính phủ có nhiều hỗ trợ các DN CNTT và truyền thông. Về nguồn nhân lực, Việt Nam hiện có khoảng 1 triệu lao động trong ngành CNTT và trong giai đoạn 2025-2030, Việt Nam cần từ 2-2,5 triệu lao động cho lĩnh vực này. Do đó, Việt Nam sẽ triển khai các chính sách đào tạo như thí điểm xây dựng các chuyên ngành về chuyển đổi số, đào tạo hoàn toàn trực tuyến với chất lượng cao hơn, tốc độ nhanh hơn.
Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết Việt Nam đang triển khai Chương trình hỗ trợ DN chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, theo đó, mục tiêu tới năm 2025 có 100% DN được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 100.000 DN được nhận các hỗ trợ từ Chương trình và tối thiểu 100 DN được hỗ trợ là các thành công điển hình trong chuyển đổi số. Các DN Nhật Bản có thể tích cực tham gia vào quá trình này.
PHẠM TIẾP