WHO bổ sung liệu pháp "hỗn hợp kháng thể" trong điều trị COVID-19
Ngày 24/9, trang web chính thức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cập nhật thêm khuyến nghị về hướng dẫn điều trị bệnh COVID-19 với việc bổ sung sử dụng liệu pháp “hỗn hợp kháng thể” mang tên Ronapreve của Công ty Công nghệ sinh học Regeneron.
Thông báo của WHO chỉ ra rằng, các kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy, so với liệu pháp thông thường, việc sử dụng thuốc Ronapreve gồm 2 loại kháng thể trung hòa là “casilibimab” và “imdevimab” đã giúp giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng và giảm thời gian hồi phục đối với người mắc COVID-19. Do đó, WHO khuyến cáo các nước có thể lựa chọn liệu pháp này đối với bệnh nhân mắc COVID-19 thể nhẹ, không có nguy cơ phải nhập viện.
Ronapreve được Công ty Công nghệ sinh học Regeneron phát triển và do Tập đoàn dược phẩm Thụy Sĩ Roche tiếp thị. Đây là liệu pháp điều trị COVID-19 thứ 3 được WHO bật đèn xanh, và được bổ sung vào danh sách hướng dẫn điều trị của tổ chức liên quan đến căn bệnh này. Năm ngoái, các bác sĩ Mỹ đã dùng liệu pháp trên và chữa khỏi bệnh COVID-19 cho Tổng thống khi đó là ông Donald Trump.
Mặc dù hoan nghênh việc bổ sung một liệu pháp điều trị mới vào "kho vũ khí" chống COVID-19 của thế giới, song WHO bày tỏ lo ngại liệu pháp này cũng có hạn chế nhất định là chi phí đắt đỏ và nguồn cung không dồi dào. Vì vậy, sẽ không dễ để các nước đang phát triển, nơi dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, có thể tiếp cận với liệu pháp điều trị này nếu không có sự hỗ trợ tích cực của WHO và cộng đồng quốc tế. WHO cho biết, Tổ chức Sức khỏe toàn cầu (UNITAID) đang đàm phán với hãng dược Roche để có được mức giá thấp hơn và bảo đảm việc phân phối đồng đều loại thuốc này ở mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia thu nhập thấp và trung bình. WHO cũng đang thảo luận với Roche để tài trợ và phân phối thuốc Ronapreve thông qua Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF). WHO cũng kêu gọi các nhà sản xuất khác nộp các sản phẩm y tế sinh học có công dụng điều trị tương tự để được phê duyệt.
Tại Nhật Bản, liệu pháp “hỗn hợp kháng thể” đã được Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản phê duyệt điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 thể nhẹ tại các bệnh viện hoặc cơ sở y tế từ cuối tháng 7, sau đó mở rộng thêm đối tượng điều trị tại nhà từ giữa tháng 9. Tuy nhiên, việc điều trị tại nhà bằng liệu pháp này phải có hệ thống giám sát tình trạng của bệnh nhân trong vòng 24 giờ sau khi được truyền tĩnh mạch.
PHƯƠNG OANH