Thế giới hơn 222 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 4,59 triệu ca tử vong

Thứ Tư, 08/09/2021, 20:07 [GMT+7]
In bài này
.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h00 ngày 8/9 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 222,68 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 4,59 triệu ca tử vong. Số ca hồi phục là hơn 199,21 triệu ca. Số bệnh nhân đang phải điều trị là hơn 18,87 triệu người.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan.

Cảnh giác cao với biến thể Mu

Chính phủ Indonesia đã siết chặt kiểm soát tại tất cả các cửa khẩu nhằm ngăn chặn biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có tên Mu (còn được gọi là B.1.621) được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào loại biến thể cần quan tâm. Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Johnny G Plate cho rằng chính phủ cần hành động nhanh chóng và chính xác để tránh cho Indonesia phải đối mặt với đợt bùng phát dịch thứ ba do biến thể này. Tính đến ngày 6/9, biến thể Mu đã được phát hiện tại 46 quốc gia.

Tuy nhiên, biến thể mới này vẫn chưa được phát hiện tại các nước Đông Nam Á, trong đó có Indonesia. Ngoài ra, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Indonesia (BPOM) cũng đã cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp cho 2 vaccine ngừa COVID-19 do hãng Johnson & Johnson (J&J) và CanSino sản xuất. Tính đến nay, BPOM đã cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp cho 9 loại vaccine ngừa COVID-19, gồm Sinovac, AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Novavax, Sinopharm, CanSino, Sputnik-V và Anhui Zhifei Longcom.

Thái Lan chuẩn bị tiêm vaccine cho trẻ từ 12-18 tuổi

Thái Lan sẽ bắt đầu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên bằng vaccine của hãng Pfizer vào cuối tháng này, với những học sinh thuộc diện có nguy cơ ở thủ đô sẽ được tiêm đầu tiên.

Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) ngày 7/9 thông báo rằng những học sinh thuộc nhóm dễ bị tổn thương trong độ tuổi từ 12-18 tại 437 trường công lập của thủ đô có thể tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên tại Đại học Navamindradhiraj từ ngày 21/9.

Các học sinh sẽ được bác sỹ đánh giá và phải có chứng nhậnvề tình trạng khuyết tật, sức khỏe yếu hoặc bệnh mãn tính. BMA cho biết bằng chứng có thể là giấy chứng nhận y tế, giấy hẹn khám sức khỏe, giấy chứng nhận khuyết tật hoặc tài liệu cho thấy bệnh mãn tính.

Theo BMA, nhóm dễ bị tổn thương được ưu tiên bao gồm trẻ em mắc bất kỳ 1 trong 7 bệnh mãn tính và/hoặc béo phì.

Trẻ em được phân loại là béo phì nếu từ 12-13 tuổi và có cân nặng từ 70kg trở lên, từ 13-15 tuổi và có cân nặng từ 80kg trở lên, và từ 15-18 tuổi và có cân nặng từ 90kg trở lên.

Bảy tình trạng mãn tính là ngưng thở khi ngủ, bệnh hô hấp mãn tính bao gồm hen suyễn vừa phải và nặng, bệnh tim mạch, bệnh thận mãn tính, ung thư và suy giáp, tiểu đường, và các bệnh di truyền bao gồm hội chứng Down, suy giảm thần kinh nghiêm trọng và chậm phát triển.

Sáu tháng sau khi những người đầu tiên được tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào ngày 28/2, Thái Lan đã đi được một nửa chặng đường tiến tới miễn dịch cộng đồng đối với bệnh COVID-19, với hơn 25 triệu người đã tiêm mũi vaccine đầu tiên và 10 triệu người đã tiêm mũi thứ hai.

Chính phủ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đặt mục tiêu có 50 triệu người, chiếm 70% dân số nước này, được tiêm mũi vaccine đầu tiên để tạo ra miễn dịch cộng đồng.

Dự kiến, Thái Lan sẽ đảm bảo được khoảng 124 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm nay, kể cả 43,3 triệu liều vaccine của hãng AstraZeneca và 30 triệu liều vaccine của hãng Pfizer mà nước này nhận được từ nay đến tháng 12.

Thái Lan cũng có kế hoạch mua ít nhất 200 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong năm 2022 để tiêm nhắc lại và đối phó với các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

Bộ Y tế Thái Lan sáng 8/9 cho biết nước này có thêm 14.176 ca mắc mới COVID-19 và 228 ca tử vong trong 24 giờ qua. Như vậy, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 1.322.519 ca mắc COVID-19 kể từ đầu dịch, trong đó có 13.511 ca tử vong.

Hầu hết các ca mắc và tử vong ở Thái Lan được ghi nhận trong làn sóng COVID-19 thứ ba bùng phát kể từ đầu tháng 4.

QUANG TRẦN

;
.