.

Tăng năng lực sản xuất ở các nước LDC hướng tới sự phát triển bền vững

Cập nhật: 20:16, 28/09/2021 (GMT+7)

Ngày 28/9, Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) đã công bố Báo cáo các nước kém phát triển nhất năm 2021, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển năng lực sản xuất ở các nước kém phát triển nhất (LDC) trong việc nâng cao khả năng ứng phó, phục hồi sau các cuộc khủng hoảng như dịch COVID-19 và hướng tới sự phát triển bền vững.

Người tị nạn Afghanistan tại khu vực biên giới Afghanistan và Pakistan.
Người tị nạn Afghanistan tại khu vực biên giới Afghanistan và Pakistan.

UNCTAD định nghĩa năng lực sản xuất là “các nguồn lực sản xuất, khả năng kinh doanh và liên kết sản xuất cùng xác định năng lực của một quốc gia trong việc sản xuất hàng hóa và dịch vụ, cho phép quốc gia đó tăng trưởng và phát triển”.

Trong báo cáo, UNCTAD nhận định hiện triển vọng đối với các nước phát triển kém phát triển tương đối ảm đạm. Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã làm nổi rõ những thiếu sót về thể chế, kinh tế và xã hội trong con đường phát triển của hầu hết các nước kém phát triển.

Do tác động của cuộc khủng hoảng y tế, kinh tế và xã hội do đại dịch COVID-19 gây ra, trong năm 2020, các nước này đã ghi nhận mức tăng trưởng tồi tệ nhất trong khoảng 3 thập niên. Khả năng phục hồi hạn chế của các nước LDC được phản ánh qua tỷ lệ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 thấp, khi mới chỉ có 2% dân số đã được tiêm chủng, so với 41% ở các nước phát triển.

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở các nước LDC kể từ giữa những năm 90 nhìn chung không đủ để giải quyết sự chênh lệch về thu nhập dài hạn giữa những nước này với phần còn lại của thế giới. Trong 2 thập niên qua, chỉ một số ít các nước kém phát triển đã cho thấy một số dấu hiệu đáng khích lệ về chuyển đổi cơ cấu và những cải thiện năng suất có ý nghĩa.

Trong bối cảnh đó, báo cáo cho rằng, việc phát triển năng lực sản xuất sẽ cho phép các nước nghèo nhất trên thế giới thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từ đó sẽ giúp giảm nghèo và đẩy nhanh tiến độ hướng tới các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs). Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đòi hỏi đầu tư và chi tiêu lớn, vượt xa khả năng tài chính của các nước LDC.

Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan đã nhấn mạnh, các nước LDC cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để phát triển năng lực sản xuất và năng lực thể chế, từ đó nâng cao khả năng ứng phó với những thách thức truyền thống và thách thức mới như cuộc khủng hoảng COVID-19 và biến đổi khí hậu.

Báo cáo của UNCTAD cũng nhận định việc huy động nguồn tài chính ở các nước LDC để đạt được các SDGs là khó khăn, đặc biệt là đối với các mục tiêu liên quan đến chuyển đổi cơ cấu.

Để huy động đủ nguồn lực tài chính, các nước LDC sẽ cần tăng cường năng lực tài khóa, tăng cường huy động nguồn lực trong nước và nâng cao hiệu quả của chi tiêu công.

Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế cũng đóng vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ các nước kém phát triển trong nỗ lực huy động nguồn tài chính phù hợp cho nhu cầu phát triển bền vững của họ.

UNCTAD đồng thời kêu gọi tăng cường đầu tư vào năng lực nhà nước và năng lực sản xuất ở các nước LDC trong bối cảnh cuộc khủng hoảng COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp và tốc độ phục hồi toàn cầu đang diễn ra không đồng đều.

TỐ UYÊN

.
.
.