.

Phương pháp điều trị bằng huyết tương không hiệu quả như mong đợi

Cập nhật: 22:23, 22/08/2021 (GMT+7)

Hãng tin AP (Mỹ) ngày 22/8 dẫn một kết quả nghiên cứu mới cho thấy, huyết tương từ những bệnh nhân mắc COVID-19 đã khỏi bệnh dường như không hiệu quả với những bệnh nhân mới nhiễm virus SARS-CoV-2.

Nghiên cứu này được công bố trong tuần qua trên tạp chí y khoa uy tín New England Journal of Medicine, là kết quả thử nghiệm với khoảng 500 bệnh nhân có những triệu chứng mắc COVID-19 nằm trong các phòng cấp cứu tại bệnh viện. Một nửa được điều trị với huyết tương giàu kháng thể từ những bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh. Một nửa được truyền giả dược. Kết quả khá tương đồng. Khoảng 30% cả 2 nhóm đều phát triển bệnh nặng đến mức phải nhập viện trở lại. Có 5 ca trong số nhóm điều trị bằng huyết tương sau đó tử vong, trong khi ở nhóm còn lại số tử vong là 1 ca.

Kết quả nghiên cứu trên không phải là tin tốt cho phương pháp dùng huyết tương điều trị COVID-19. Phương pháp thử nghiệm này hiện không được khuyến nghị trong các hướng dẫn điều trị COVID-19 ở Mỹ và được cho là khó nghiên cứu một cách có kiểm soát.

Huyết tương là chất lỏng màu vàng nhạt, trong suốt, chiếm 55-65% tổng lượng máu trong cơ thể. Khi một người mắc COVID-19, cơ thể sẽ sản sinh kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 và kháng thể tập trung trong huyết tương. Hơn 1 năm trước, khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, một số nước đã cho phép điều trị khẩn cấp bằng huyết tương, nghĩa là lấy kháng thể từ những bệnh nhân đã bình phục để tiêm cho các bệnh nhân mới nhiễm virus. Những kết quả ban đầu xác nhận phương pháp này khá an toàn, tỷ lệ bị phản ứng phụ thấp.

VŨ TRUNG

 
.
.
.