OECD nhất trí về việc cải cách thuế doanh nghiệp
Tiến trình cải cách thuế toàn cầu đã đạt được thành công lớn khi 130 quốc gia thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã đồng ý về quy định áp mức thuế tối thiểu trên phạm vi toàn cầu và phân bổ lại doanh thu từ thuế đối với các tập đoàn lớn, có lợi nhuận cao.
Công nhân làm việc tại một nhà máy của Hyundai. |
Bộ trưởng Tài chính liên bang Đức Olaf Scholz cho rằng, thỏa thuận là bước tiến mạnh mẽ hướng tới sự công bằng về thuế doanh nghiệp. Trong tương lai, các tập đoàn lớn sẽ phải chia sẻ nguồn tài chính một cách công bằng hơn vì lợi ích chung. Nhiệm vụ hiện tại là thúc đẩy việc triển khai nhanh chóng thỏa thuận đã đạt được ở châu Âu.
Sự đồng thuận của OECD mở đường cho nhóm Các nước công nghiệp phát triển và mới nổi lớn nhất (G20) thông qua thỏa thuận này tại hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 dự kiến được tổ chức vào tuần tới tại Italia.
Bộ trưởng Tài chính nước chủ nhà Daniele Franco tự tin rằng, G20 sẽ thông qua thỏa thuận này. Theo ông, không một quốc gia nào muốn cản trở một thỏa thuận mang tính toàn cầu như vậy. Thực tế, tất cả các nước G20 trong OECD đều đã chấp thuận cải cách quan trọng này.
Kế hoạch cải cách thuế toàn cầu bao gồm 2 phần: phần 1 quy định áp mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các doanh nghiệp; phần 2 quy định một loại thuế kỹ thuật số áp dụng cho các doanh nghiệp kỹ thuật số trên toàn cầu.
Việc áp mức thuế tối thiểu 15% có nghĩa là nếu một tập đoàn và các công ty con của mình nộp thuế ở nước ngoài dưới mức tối thiểu, họ sẽ tiếp tục phải nộp khoản chênh lệch so với mức tối thiểu tại chính quốc gia của họ.
Từ đó, việc chuyển lợi nhuận sang các quốc gia khác có mức thuế thấp hơn mức tối thiểu sẽ không còn hấp dẫn với các doanh nghiệp nữa. Mức thuế tối thiểu sẽ được áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp có doanh thu trên 750 triệu euro.
Trong phần 2, doanh thu thuế từ doanh nghiệp sẽ được phân phối lại một phần. Cho đến nay, các doanh nghiệp chủ yếu nộp thuế tại quốc gia nơi họ đặt trụ sở.
Trong tương lai, việc đánh thuế sẽ được thực hiện nhiều hơn tại nơi mà doanh nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh và tạo ra doanh thu. Ví dụ, các tập đoàn như Apple hay Google sẽ phải trả nhiều thuế hơn ở châu Âu; trong khi các tập đoàn của Đức như Volkswagen sẽ phải trả nhiều thuế hơn ở các quốc gia như Trung Quốc.
Sau khi đạt được thỏa thuận trong cả OECD và G20, nhiều bước tiếp theo còn cần phải tiếp tục thực hiện, trong đó mục tiêu đặt ra là thuyết phục các quốc gia còn lại chưa chấp nhận tiến trình cải cách nhanh chóng tham gia vào tiến trình này, để việc cải cách được thống nhất trên phạm vi toàn cầu, mang lại hiệu quả cao hơn.
VŨ TÙNG