Khi khoa học vô tình tiếp tay cho buôn lậu
Mỗi khi phát hiện một vấn đề gì mới, các nhà khoa học thường công bố trên các tạp chí chuyên ngành, kể cả trên mạng Internet nhằm giới thiệu nó với thế giới. Tuy nhiên, đôi khi những công bố ấy lại vô tình tiếp tay cho buôn lậu mà trong trường hợp này, những phát hiện về các loài bò sát mới đã thúc đẩy bọn buôn lậu săn lùng rồi bán chúng trên thị trường chợ đen…
Một con tắc kè da báo Libo được bán với giá 25.000USD cho những người yêu thích “thú cưng” độc, lạ. |
Năm 2013, chỉ hơn hai tháng sau khi Antonio Gonzaler, nhà động vật học người Brazil công bố phát hiện của ông về loài tắc kè da báo Libo, tên khoa học là Gonliurosaurus Liboensis, sống ở hạ lưu sông Amazon thì trên mạng Internet xuất hiện lời rao bán con vật này với giá 25.000USD. McCommick, thành viên của Wildlife, một tổ chức phi chính phủ về bảo tồn động vật hoang dã toàn cầu cho biết: “Liên hệ với người bán, họ cho tôi một địa chỉ ở Terraristika, Đức. Đây là nơi cứ 4 năm một lần, một hội chợ lớn nhất thế giới về những loài bò sát được tổ chức. Tại đó, người ta có thể tìm thấy hầu như tất cả mọi loài, kể cả những loài mới được phát hiện như con tắc kè da báo Libo…”.
Vẫn theo McCommick, những ông trùm mua bán động vật hoang dã theo dõi rất sát các tạp chí chuyên ngành nổi tiếng, chẳng hạn như National Wildlife Magazine, World Wildlife Magazine, Swara, The Zoologist…, cũng như trên mạng Internet với các trang Wildlife Web, Wildlife Society, Wildlife Insights… Khi phát hiện những nơi này công bố sự xuất hiện cùng địa điểm đã tìm ra loài bò sát mới, họ lập tức thuê người săn bắt và thường là dân bản xứ với một giá rất bèo: Một con kỳ nhông đuôi gai Oaxacan mua ở Mexico chỉ khoảng 200 đến 300USD nhưng khi bán cho những người yêu thích “thú cưng”, nó không dưới 6.000USD. Alice Hughes, giáo sư nghiên cứu hiện đang làm việc tại Vườn thực vật nhiệt đới Xishuangbanna, Học viện Khoa học Trung Quốc, đồng tác giả của một công trình được công bố gần đây đã phân tích hoạt động buôn bán bò sát online. Alice Hughes nói: “Chúng tôi theo dõi tất cả các trang web bán động vật hoang dã trên Internet. Kết quả thật đáng kinh ngạc, 36% của gần 4.000 loài bò sát đang được rao bán, kể cả những loài mới tìm ra”.
Từ năm 2000 đến nay, các nhà động vật học trên toàn thế giới đã phát hiện thêm 137 loài bò sát. Dữ liệu do Alice Hughes và nhóm của cô thu thập cho thấy các “ông trùm” phản ứng rất nhanh với những khám phá của các nhà khoa học. Chỉ sau vài tháng khi phát hiện được công bố, một hay vài loài bò sát mới đã sẵn sàng trở thành “thú cưng” cho người nuôi. Thí dụ như loài tắc kè đá cẩm thạch Takou (tên khoa học là Gekko Takouensis) tìm thấy ở miền Trung Việt Nam vào giữa năm 2010 thì đến cuối năm, người nuôi ở châu Âu đã có thể mua nó. Hay như loài tắc kè Uroplatus, phát hiện ở Madagascar hồi đầu năm 2017 thì chỉ 3 tháng sau, trên trang mạng XYZReptiles đã có đầy đủ hình ảnh của nó cùng giá tiền.
Theo nhà phân loại học Yang Jianhuan, chuyên gia cao cấp về bảo tồn động vật quý hiếm tại Vườn Bách thảo Kadoorie ở Hồng Kông, rất nhiều loài tắc kè bị săn bắt và buôn bán bởi màu sắc và hình thái tuyệt đẹp của chúng. Ông Yang nói: “Tôi đã mô tả 4 loài tắc kè đá vôi Goniurosaurus mới trên một tạp chí khoa học. Cả 4 loài này sống trong các hang động đá vôi ở miền nam Trung Quốc, Đông Nam Á và Nhật Bản, trong đó có 1 loài được tôi công bố lần đầu tiên vào năm 2013 thì năm 2014, tôi đã thấy nó xuất hiện trong giao dịch trực tuyến. Nó khiên tôi phẫn nộ khi họ bày bán…”.
Chính vì vậy, năm 2015, lúc phát hiện thêm một loài Goniurosaurus mới, ông Yang quyết định không công bố dữ liệu vị trí nơi ông tìm ra nó bởi lẽ nếu ông nói ra, sẽ có người tìm bắt ngay. Trên tạp chí khoa học Zootaxa, ông chỉ viết là “địa điểm nơi tôi tìm thấy loài này chỉ dành cho các nhà khoa học đồng nghiệp”. Yang nói: “Trong bài báo, bạn chỉ cần viết tên của ngôi làng nơi bạn đến thì cũng đầy rủi ro”. Và bởi vì môi trường sống của tắc kè Goniurosaurus là các hang động đá vôi nên bọn săn bắt chỉ cần đến ngôi làng ấy rồi hỏi dân địa phương “Ở đây có hang động không”, là đủ!
Việc Yang quyết định không công bố vị trí chính xác nơi phát hiện ra loài tắc kè Goniurosaurus đã gây tranh cãi. Trong khi một số đồng nghiệp của ông ủng hộ ý kiến này thì một số khác cho rằng Yang đã phá vỡ một trong những tiền đề quan trọng nhất của khoa học là tính minh bạch và phân loại học. Yang phản ứng: “Nếu tôi công bố địa điểm, các loài mới sẽ lộ diện và hầu như không có khả năng tự vệ trong lúc Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) hành động chậm hơn bọn săn bắt. Vì thế, tôi chỉ cung cấp thông tin cụ thể cho các chính phủ và các nhà nghiên cứu mà thôi…”.
Về phía các quốc gia nơi phát hiện những chủng loài động vật mới, không phải lúc nào họ cũng biết ngay được rằng nó có nằm trong danh sách nguy cơ tuyệt chúng hay không để có biện pháp bảo vệ, mà họ phải dựa vào những công bố của CITES. James Janssen, thành viên CITES nói: “Việc này đòi hỏi phải mất nhiều tháng hoặc nhiều năm vì CITES phải xác định loài ấy còn bao nhiêu cá thể, tập tính sinh hoạt và chu kỳ sinh sản của chúng, kẻ thù của chúng là những loài nào, vai trò của chúng trong hệ sinh thái ra sao. Chúng chỉ có ở nơi đó hay còn ở nhiều nơi khác trên thế giới… rồi mới có thể kết luận chúng cần được bảo vệ hay không…”. Vẫn theo Janssen: “Kinh nghiệm của tôi cho thấy một loài khi được CITES đưa vào danh sách đỏ thì hàng chục, thậm chí hàng trăm, hàng nghìn cá thể đã biến thành vật nuôi hợp pháp thông qua các đường dây mua bán chợ đen rồi”.
Với những rắc rối như vậy, nạn săn bắt, buôn bán những loài bò sát mới được phát hiện nói riêng và những động vật khác nói chung, khó có thể chấm dứt trong tương lai gần khi mà một số những người giàu luôn săn tìm những con “thú cưng” độc, lạ…
VŨ CAO
(Theo Wildlife Magazine)