ECB cảnh báo biến thể Delta đe dọa triển vọng phục hồi kinh tế
Ngày 23/7, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde đã lên tiếng cảnh báo tình hình kinh tế vẫn tiềm ẩn “bất ổn” do sự lây lan mạnh mẽ của biến thể Delta của virus SARS-CoV-2.
Phát biểu sau cuộc họp chính sách cùng ngày của ECB, Chủ tịch Lagarde đánh giá, nền kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang phục hồi “mạnh mẽ” và “đúng hướng”, song đại dịch COVID-19 với biến thể Delta tiếp tục “phủ bóng” lên triển vọng nền kinh tế.
Biến thể này có khả năng lây lan nhanh chóng, đe dọa kéo lùi đà khởi sắc trong các lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là ngành du lịch và khách sạn.
Bà Lagarde cho biết, ECB sẽ “kiên nhẫn” trong việc hỗ trợ các nước trong khu vực vượt qua cuộc khủng hoảng y tế, qua đó phát đi tín hiệu rằng ECB sẽ tiếp tục duy trì các lãi suất chủ chốt ở mức thấp lâu hơn.
Người đứng đầu ECB cũng cho biết, chương trình khẩn cấp thu mua trái phiếu trong đại dịch (PEPP) trị giá 1.850 tỷ euro sẽ tiếp tục được duy trì ít nhất tới tháng 3/2022, hoặc tới khi ECB “đánh giá giai đoạn khủng hoảng COVID-19 đã kết thúc”.
Cũng trong cuộc họp báo, Chủ tịch Lagarde đã đề cập đến mục tiêu lạm phát mới của ECB mà bà mô tả là mục tiêu “đơn giản hơn” và “cân đối hơn”. Điều này đồng nghĩa ECB sẽ cho phép lạm phát tạm thời cao hơn hoặc thấp hơn mức mục tiêu trước khi có hành động can thiệp.
Tại cuộc họp, ECB đã giữ nguyên chính sách kích thích kinh tế quy mô lớn cho Eurozone, nhấn mạnh việc cần tiếp tục hỗ trợ khu vực này để đạt được mục tiêu lạm phát mới do ngân hàng trung ương đề ra.
Theo đó, ECB quyết định giữ lãi suất tại mức thấp lịch sử, bao gồm lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức âm. Cụ thể, ECB quyết định duy trì lãi suất đối với các hoạt động tái cấp vốn ở mức 0%, lãi suất cho vay ở mức 0,25% và lãi suất tiền gửi là âm 0,5%.
Trong thông báo, ECB cũng cam kết giữ lãi suất ở mức thấp hiện tại cho đến khi lạm phát đạt được mục tiêu 2% một cách ổn định và lâu dài.
Các quan chức cũng không điều chỉnh PEPP trị giá 1.850 tỷ euro - một công cụ chính của ECB để giúp Eurozone vượt qua cuộc khủng hoảng do đại dịch gây ra.
Đây là cuộc họp đầu tiên của ECB kể từ khi thể chế tài chính này công bố kết quả của đợt đánh giá chính sách kéo dài 18 tháng, đánh dấu lần điều chỉnh mục tiêu và công cụ lớn nhất từ trước đến nay của tổ chức tài chính quyền lực nhất châu Âu này.
Thay đổi lớn nhất đó là ECB quyết định nâng mục tiêu lạm phát lên mức 2% trong trung hạn, thay vì mục tiêu trước đây là “thấp hơn hoặc gần 2%” - một mục tiêu đã được thống nhất vào năm 2003 khi giá cả tăng nhanh gây ra nhiều quan ngại.
PHƯƠNG OANH