Thế giới cần thêm 50 tỷ USD để chấm dứt đại dịch
Theo tạp chí “Eurasia Review”, những người đứng đầu các cơ quan lớn về tài chính, y tế và thương mại trên toàn cầu đã thống nhất kêu gọi các nhà lãnh đạo chính phủ khẩn trương tài trợ cho một lộ trình mới trị giá 50 tỷ USD để đẩy nhanh việc phân phối một cách công bằng các công cụ y tế nhằm giúp chấm dứt đại dịch COVID-19, đồng thời đặt nền móng cho sự phục hồi toàn cầu bền vững cũng như tăng cường an ninh y tế.
Theo ước tính của IMF, việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng có thể thúc đẩy đà phục hồi của các hoạt động kinh tế. |
Trong một tuyên bố được các tờ báo trên thế giới đăng tải hôm 1/6, giới lãnh đạo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nói rằng, các chính phủ phải hành động ngay lập tức, nếu không sẽ có các nguy cơ làn sóng lây nhiễm và bùng phát mới của đại dịch COVID-19 cũng như các biến thể dễ lây lan, phá hoại sự phục hồi toàn cầu.
Tuyên bố chung dựa trên một phân tích gần đây của IMF, trong đó nói rằng 50 tỷ USD đầu tư mới là cần thiết để tăng năng lực sản xuất, bảo đảm nguồn cung, các dòng chảy thương mại và giao hàng…, từ đó sẽ giúp thúc đẩy việc phân phối công bằng các dịch vụ chẩn đoán bệnh, nguồn oxy, phương pháp điều trị, vật tư y tế và vaccine.
Việc tiêm chủng cũng sẽ tạo ra một động lực lớn cho tăng trưởng kinh tế trên toàn thế giới.
Theo các nhà lãnh đạo của các tổ chức, lộ trình này sẽ giúp tiêm chủng nhanh hơn cho nhiều người. WHO và các đối tác thuộc sáng kiến vaccine toàn cầu COVAX đặt mục tiêu tiêm chủng cho khoảng 30% dân số ở tất cả các quốc gia vào cuối năm 2021. Nhưng tỷ lệ này thậm chí có thể đạt 40% thông qua các thỏa thuận khác và tăng cường đầu tư, rồi tăng lên ít nhất là 60% vào nửa đầu năm 2022.
Các ước tính cho thấy với 50 tỷ USD đầu tư mới, sáng kiến sẽ giúp kết thúc đại dịch nhanh hơn ở các nước đang phát triển, giảm tỷ lệ lây nhiễm và tử vong, đẩy nhanh sự phục hồi kinh tế và tạo ra thêm khoảng 9.000 tỷ USD trong sản lượng toàn cầu vào năm 2025.
Trước đó, các phân tích kinh tế của Phòng Thương mại Quốc tế và Eurasia Group cũng chỉ ra rằng khoản đầu tư mới này tương đối khiêm tốn so với hàng ngàn tỷ USD đã được các nước chi cho các chương trình kích thích kinh tế, cũng như thiệt hại hàng ngàn tỷ USD về sản lượng kinh tế vừa qua. Tuy nhiên, ý nghĩa của nó là thúc đẩy hiệu quả việc tiêm chủng toàn cầu và thu hẹp khoảng cách công bằng về vaccine giữa tất cả các nước.
Tuyên bố nói trên được đưa ra trong bối cảnh Đại hội đồng Y tế Thế giới đã đưa ra kết luận cũng như Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) chuẩn bị nhóm họp cấp cao trực tiếp tại Vương quốc Anh vào tuần tới.
Các nhà lãnh đạo của bốn tổ chức tuyên bố, để có thêm các mũi tiêm chủng khẩn cấp, cần phải quyên tặng ngay lập tức các liều vaccine cho các nước đang phát triển, kết hợp đồng bộ với kế hoạch tiêm chủng vaccine quốc gia, bao gồm thông qua cả sáng kiến COVAX.
KHẮC HIẾU