.

Liên hợp quốc kêu gọi chia sẻ bản quyền sản xuất vắc xin COVID-19

Cập nhật: 18:32, 06/05/2021 (GMT+7)

* Nhóm G7 cam kết mở rộng sản xuất vắc xin

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hy vọng các nhà sản xuất vắc xin trên thế giới sẽ chia sẻ bản quyền với nhau, cho phép các công ty khác sản xuất các loại vắc xin ngừa COVID-19 mà họ sở hữu bản quyền.

Vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer-BioNtech.
Vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer-BioNtech.

Ngày 6/5, người phát ngôn Tổng thư ký, ông Stephane Dujarric cho biết, quan điểm này của Tổng thư ký Guterres được đưa ra giữa lúc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đang thảo luận về việc miễn trừ bản quyền sáng chế vắc xin ngừa COVID-19 nhằm thúc đẩy hoạt động cung cấp vắc xin cho các nước đang phát triển.

Ông Stephane Dujarric nhấn mạnh, Tổng thư ký kêu gọi các hãng chuyển giao công nghệ, chia sẻ bản quyền cũng như giấy phép sản xuất vắc xin ngừa COVID-19.

Các thành viên WTO đang đánh giá những tiến triển sau 7 tháng đàm phán liên quan đến đề xuất của Nam Phi và Ấn Độ về việc miễn trừ bản quyền sáng chế đối với các loại vắc xin phòng COVID-19. Tuy nhiên, những quyết định của WTO đều dựa trên sự đồng thuận, vì vậy phải có sự nhất trí của tất cả 164 thành viên.

Trong một động thái liên quan, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cùng ngày đã kêu gọi Nga xem xét tăng nguồn cung vắc xin ngừa COVID-19. Bà cũng hối thúc Trung Quốc, Brazil, Cuba và Nga - những quốc gia đang phát triển các loại vắc xin ngừa COVID-19 - có hành động tương tự.

Trước đó, người đứng đầu WTO cho rằng, Anh cần tặng ngay vắc xin ngừa COVID-19 cho các nước nghèo, mà không nên chờ đợi dư thừa nguồn cung. Theo Tổng Giám đốc Okonjo-Iweala, những chiến thuật như vậy sẽ phục vụ lợi ích của cả nước nghèo và nước giàu.

Đồng quan điểm trên, cùng ngày, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố ủng hộ miễn trừ bản quyền vắc xin ngừa COVID-19 trên toàn cầu và sẽ đàm phán các điều khoản liên quan tại WTO.

Trong một thông báo, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết, mặc dù quyền sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp, nhưng Washington “ủng hộ miễn trừ các biện pháp bảo hộ đối với các loại vắc xin ngừa COVID-19”. Bà Tai nhấn mạnh, đây là một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu và những tình hình đặc biệt của đại dịch COVID-19 cần các biện pháp đặc biệt.

* Cùng ngày, Ngoại trưởng Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) cam kết sẽ có động thái để mở rộng quá trình sản xuất các loại vắc xin ngừa COVID-19 với mức giá chấp nhận được.

Tuyên bố chung được đưa ra sau hội nghị của nhóm tại London có nội dung: “Chúng tôi cam kết sẽ làm việc để mở rộng quy mô sản xuất các loại vắc xin ngừa COVID-19 với mức giá chấp nhận được, cũng như về các phương pháp điều trị, chẩn đoán hay các thành phấn cấu tạo chúng”.

Tuyên bố cũng cho biết, quá trình này bao gồm cả việc thúc đẩy quan hệ đối tác giữa các công ty, khích lệ các thỏa thuận trao đổi công nghệ và tự nguyện cung cấp theo những nội dung được các bên liên quan đồng ý.

Cũng theo tuyên bố, ngoại trưởng các nước G7 nhất trí mở rộng và tăng cường cơ chế phản ứng nhanh để sử dụng chống lại những mối đe dọa ví dụ như tình trạng tin giả.

Tuyên bố cho biết: “G7 cam kết phối hợp cùng nhau để thể hiện khả năng lãnh đạo trên toàn cầu và có hành động phản ứng để vạch trần và ngăn chặn những nhân tố tìm cách phá hoại”.

Theo tuyên bố, G7 cam kết tăng cường quan hệ của cái gọi là “Cơ chế phản ứng nhanh” với các đối tác quốc tế, trong đó có NATO. Tuyên bố khẳng định: “Chúng tôi cam kết tăng cường năng lực tập thể bằng cách phối hợp với hành động quan trọng của các tổ chức và diễn đàn khác, trong đó có NATO”.

Những mục tiêu mới khác bao gồm bản báo cáo hàng năm nhằm nâng cao sự hiểu biết về cách thức triển khai và hoạt động của cơ chế này, những công cụ phân tích và hoạt động trao đổi thông tin hiệu quả hơn, đồng thời tìm kiếm một định nghĩa chung về yếu tố cấu thành “hoạt động bất hợp pháp trong không gian thông tin”.

HỮU THANH

.
.
.