Mỹ tăng gấp đôi viện trợ cho các nước đang phát triển
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 23/4 tuyên bố Mỹ sẽ tăng gấp đôi viện trợ để giúp các nước đang phát triển ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu. |
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu do Mỹ khởi xướng cùng ngày, Tổng thống Biden nêu rõ: “Để hỗ trợ các nước đang phát triển đáp ứng mục tiêu chống biến đổi khí hậu, chậm nhất là tới năm 2024, Mỹ sẽ tăng gấp đôi nguồn tài trợ phát triển chống biến đổi khí hậu cộng đồng thường niên cho các nước này”.
Ông Biden cũng nhấn mạnh rằng, Mỹ sẽ hỗ trợ các nước nghèo giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với một khí hậu đang thay đổi.
Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết, Mỹ đang “hướng tới các mục tiêu đầy tham vọng nhưng khả thi” trong việc viện trợ cho các nước đang phát triển do tính cấp bách của cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu và để bù đắp cho việc nguồn tài trợ của Mỹ sụt giảm dưới thời Chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump.
Như một phần của mục tiêu này, Nhà Trắng cam kết đến năm 2024 sẽ tăng gấp 3 lần nguồn tài trợ cho việc thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó chú trọng vào những điều chỉnh đối với biến đổi khí hậu hiện nay hoặc trong tương lai.
Nhà Trắng lưu ý rằng, cơ quan này sẽ làm việc với Quốc hội Mỹ để ban hành luật cần thiết. Theo Nhà Trắng, các cơ quan của Mỹ sẽ phối hợp với các đối tác phát triển nhằm ưu tiên vấn đề khí hậu trong các dự án đầu tư, mở rộng hỗ trợ kỹ thuật và tăng cường tài trợ cho việc thích ứng và khả năng phục hồi.
Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) sẽ công bố Chiến lược Biến đổi Khí hậu mới vào tháng 11/2021, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).
Bên cạnh đó, Cơ quan Phát triển tài chính quốc tế Mỹ (DFC) sẽ thay đổi chiến lược phát triển, theo đó lần đầu tiên đưa vào các nội dung về khí hậu và ưu tiên giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Leonardo Martinez-Diaz, Trợ lý hàng đầu của Đặc phái viên về khí hậu John Kerry cho biết, tổng nguồn tài trợ chống biến đổi khí hậu cộng đồng của Mỹ bình quân đạt 2,8 tỷ USD/năm trong giai đoạn tài khóa 2013-2017, với khoảng 500 triệu USD dành cho thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là giai đoạn gần nhất mà Mỹ dành cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu mức tài trợ cao nhất mọi thời đại.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã coi hội nghị khí hậu tuần này là thời khắc quyết định để “thúc đẩy hay bỏ lỡ” các nỗ lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu. Ông Guterres đã kêu gọi các nước phát triển tăng cường đóng góp cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Hội nghị thượng đỉnh khí hậu trực tuyến dưới sự chủ trì của Tổng thống Mỹ Joe Biden quy tụ 40 nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro...
NGỌC ÁNH