.

Thăm nhà nguyện "độc nhất vô nhị"

Cập nhật: 18:12, 19/03/2021 (GMT+7)

Nhà thờ Igreja de São Francisco ở Évora, được xây dựng từ năm 1460 đến 1510, theo phong cách pha trộn giữa kiến trúc Gothic và Manueline. Nơi này còn nổi tiếng với nhà nguyện bằng xương người, hay Capela dos Ossos, một trong những điểm đến thu hút nhiều khách du lịch nhất ở thành phố Évora.

Bên trong Nhà nguyện xương.
Bên trong Nhà nguyện xương.

Nằm trong khuôn viên nhà thờ St.Francis ở TP. Evora, cách thủ đô Lisbon 187km về phía Đông, Nhà nguyện xương người (Capela dos Ossos) được xây dựng từ năm 1460 đến 1510 theo kiến trúc Gothic. Khi hoàn thành, nó là nơi các tu sĩ tự giam mình để cầu nguyện, thường là vài ngày trước lễ Giáng sinh và lễ Phục sinh.

Trước đó, năm 1430, một trận bão khủng khiếp đã càn quét thành phố. Trong số 1.100 ngồi nhà, 800 căn bị phá hủy hoàn toàn, giết chết hơn 3.000 người. Tất cả những người này đều được chôn chung cùng một ngôi mộ.

Đầu thế kỷ XVI, khi tiến hành mở rộng TP. Evora, chính quyền dự định di dời 43 nghĩa trang đi nơi khác, trong đó có ngôi mộ tập thể 3.000 người. Tuy nhiên, các tu sĩ dòng Francis cho rằng như thế là xúc phạm đến linh hồn người đã chết nên khi xây dựng nhà nguyện, họ quy tập tất cả xương cốt ở 43 nghĩa trang, tổng cộng là 5.000 bộ với mục đích giúp tín đồ và du khách khi đến thăm, hiểu thêm về sự phù du của kiếp sống con người.

Cũng nói thêm về dòng tu Francis. Đây là dòng tu khổ hạnh chỉ dành cho nam giới. Các tu sĩ mặc áo vải thô màu nâu, ngang bụng thắt sợi dây thừng và luôn đi chân đất. Họ tự trồng trọt, chăn nuôi để sống, xem đời sống như một sự tạm thời ở thế gian. Thường thì các tu sĩ vào dòng khi còn nhỏ rồi sau khi làm lễ “trọn đời” - nghĩa là dành hết cuộc đời mình cho đức tin tôn giáo, họ ở trong khuôn viên nhà dòng đến lúc chết.

Năm 1510, nhà nguyện hoàn thành rồi được đặt tên theo tiếng Tây Ban Nha “Capela dos Ossos - Nhà nguyện xương người”. Dài 17,8m, rộng 11m. Nếu muốn vào thăm, tín đồ và khách du lịch phải đi qua một cái cổng có khắc hàng chữ: “Nos ossos que aqui estamos pelos vossos esperamos”, tạm dịch: “Xương của chúng tôi đang ở đây đợi bạn”.

Qua khỏi cánh cổng, du khách đến một sảnh lớn gồm 4 mái hình vòm, xây bằng đá granit trắng, xung quanh có nhiều cửa sổ nhỏ trang trí bằng những chiếc sọ người cùng những hoa văn họa tiết liên quan đến cái chết. Nâng đỡ những mái vòm ấy là 8 cột trụ cũng bằng đá granit trắng nhưng 6 trong số 8 cột trụ được bao phủ bởi những khúc xương ống chân, xương cẳng tay, xương chậu, xương đòn, xương sọ… Các bức tường cũng vậy, tất cả đều được phủ kín bằng xương. Cách thiết kế ánh sáng xen lẫn bóng tối trong nhà nguyện mang lại cho người xem cảm giác âm u, rờn rợn. Điểm đặc biệt nhất là trên một bức tường có 2 bộ xương còn nguyên vẹn, gồm một người đàn ông trưởng thành, còn bộ kia là một đứa trẻ. Cả hai đều được treo lên bằng dây xích.

Giải thích về chuyện này, tu sĩ Dominico, người trông coi Nhà nguyện xương nói: “Chúng tôi không biết danh tính của họ là gì nhưng khi đào lên, chúng tôi thấy họ nằm cạnh nhau trong cùng một huyệt mộ”. Theo truyền thuyết, họ là 2 cha con. Khi còn sống, người con đã liên tục ngược đãi mẹ mình với sự đồng tình của người cha. Lúc người mẹ hấp hối, bà đã buông lời nguyền rủa: “Cầu mong cho xương cốt của các người không bao giờ tan rã để ai cũng nhìn thấy các người”. Một truyền thuyết khác nói rằng người đàn ông ngoại tình và đứa trẻ là đứa con tội lỗi của anh ta. Đúng hay sai chưa rõ nhưng điều duy nhất được biết đến một cách chắc chắn về hai bộ hài cốt là chúng đã treo trong nhà nguyện từ thế kỷ XVII.

Vẫn theo tu sĩ Dominico, cứ 10 du khách vào đây thì có 4 người bỏ ra ngoài sau vài phút nhìn ngắm. Chẳng hiểu do sợ hãi hay điểm tham quan du lịch này không phù hợp với tâm lý họ. Trung bình mỗi năm có khoảng 6 triệu lượt người từ khắp nơi trên thế giới đến thăm Nhà nguyện xương, chủ yếu vào lễ Giáng sinh, Phục sinh và những ngày đầu năm mới, nhất là sau khi TP. Evora được UNESCO bình chọn là di sản của nhân loại vì sự đa dạng di tích văn hóa. Nó gồm hệ thống dẫn nước cung cấp cho thành phố, xây dựng từ thế kỷ XV, hay như đền thờ nữ thần Diana có từ thời La Mã, hoàn thành vào thế kỷ thứ nhất mà ngày nay chỉ còn lại 14 cây cột trên một đỉnh đồi, hoặc những thánh đường Hồi giáo cổ nằm giữa trung tâm thành phố bởi lẽ suốt hơn 2.000 năm, người La Mã và người Hồi giáo đã lần lượt cai trị nơi này.

Tuy nhiên khi viếng thăm Nhà nguyện xương, không phải ai cũng đồng ý với cách bài trí ấy. Ở cuốn sổ ghi lại cảm tưởng của du khách, bên cạnh những dòng chữ nói về sự sống và cái chết, cũng xuất hiện không ít những phản đối, cho rằng có nên đem hài cốt của người đã khuất ra trưng bày như một “sở thú xương” nhằm thu hút sự tò mò hay không? Milosevitch, khách du lịch người Serbia viết: “Ở xứ sở chúng tôi, hài cốt được xem là rất thiêng liêng. Chẳng hiểu khi đưa xương vào nhà nguyện, họ có hỏi ý kiến thân nhân người đó?”. Nữ du khách Italia là Marino viết: “Ngôn ngữ đôi khi không làm cho mình cảm nhận được hết ý nghĩa của cuộc sống, nhưng hình ảnh lại cho mình thấy rõ hơn về sự sống và cái chết”. Một du khách khác ở Ấn Độ là Madha viết: “Những gì trong Nhà nguyện xương khiến tôi nhớ lại lời kinh Bát nhã của đạo Phật: “Sắc sắc không không”. Có đó rồi mất đó…”.

VŨ CAO (Theo Traveller)

.
.
.