.

Nhật Bản gia tăng khoảng cách giàu nghèo, tỷ lệ thất nghiệp

Cập nhật: 16:11, 28/03/2021 (GMT+7)

Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mang lại những ảnh hưởng kinh tế lớn tại Nhật Bản như khoảng cách giàu nghèo trong xã hội gia tăng, lao động mất việc làm, đặc biệt là ngành dịch vụ ăn uống và du lịch, trong khi thị trường tài chính bùng nổ tăng cao nhờ các biện pháp nới lỏng tiền tệ trên toàn cầu.

Việc nới lỏng chính sách tiền tệ và những biện pháp kích thích kinh tế quy mô lớn của Nhật Bản, Mỹ, châu Âu và các nơi khác trên thế giới nhằm hỗ trợ các nền kinh tế chịu ảnh hưởng xấu bởi đại dịch COVID-19, đã đẩy mạnh giá nhiều loại tài sản.

Chỉ số chứng khoán Nikkei 225 lần đầu tiên trong hơn 30 năm qua đạt trên ngưỡng 30.000 điểm trong khi các loại tiền điện tử như Bitcoin cũng tăng giá mạnh đến mức khiến nhiều nhà đầu tư cảnh giác trước các bong bóng tài sản tiềm ẩn.

Viện nghiên cứu Nomura ước tính lượng hộ gia đình giàu có sở hữu các tài sản tài chính ròng có giá trị hơn 100 triệu yen, đạt 1,33 triệu hộ vào năm 2019.

Trưởng bộ phận tư vấn thuộc Nomura Hiroyuki Miyamoto cho rằng, Viện Nomura có thể đưa ra một ước tính tương tự cho năm 2020 bởi giá cổ phiếu tăng cao bù đắp cho tác động kinh tế xấu của đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, doanh số các loại ô tô nhập khẩu hạng sang có giá từ 10 triệu yen (92.000 USD)/chiếc trở lên tại thị trường Nhật Bản đã đạt 22.712 xe trong năm 2020, cao hơn các năm trước đó.

Tuy vậy, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến người lao động không thường xuyên và nhiều người trong số họ làm việc trong lĩnh vực dịch vụ.

Theo số liệu của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, trong năm 2020, số lượng lao động thường xuyên tăng 360.000 người so với năm trước đó, song số lượng lao động không thường xuyên giảm 750.000 người.

Điều này cho thấy các công ty Nhật Bản đã điều chỉnh lực lượng lao động thông qua cắt giảm nhân viên không thường xuyên để cố gắng vượt qua giai đoạn đầy khó khăn do đại dịch gây ra.

Nhà kinh tế trưởng Ryutaro Kono của BNP Paribas Securities (Nhật Bản) cho rằng, các lao động không thường xuyên là một trong những nguyên nhân khiến nền kinh tế phục hồi chậm trong những năm gần đây.

Ông Kono cảnh báo rằng, nếu chi tiêu tiêu dùng ở mức ảm đạm do các lao động không thường xuyên cắt giảm bởi lo ngại bị sa thải do kinh tế suy thoái, sự phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

QUỐC CHUNG 

.
.
.