Các nước Trung và Đông Âu đối phó làn sóng dịch bệnh mới
Nhiều quốc gia trong khu vực Trung và Đông Âu như: Áo, Hungary, Ba Lan, Slovakia, và Séc đang phải đối mặt với làn sóng thứ 3 của đại dịch COVID-19, đẩy những nước này lên các vị trí đứng đầu thế giới về tỷ lệ lây nhiễm và tử vong.
Tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân tại Praha (Séc). |
Trước những diễn biến pức tạp, chính phủ các nước trong khu vực đã đưa ra nhiều biện pháp hạn chế mới để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, đồng thời kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm ngặt tất cả các quy định y tế và đoàn kết chống dịch bệnh.
Tại Ba Lan, nước này đã ghi nhận khoảng 12.000 ca nhiễm chỉ trong 2 ngày cuối tháng 2 vừa qua. Trước tình hình trên, Chính phủ Ba Lan áp dụng các quy định chặt chẽ hơn, theo đó nhà chức trách sẽ bắt buộc đeo khẩu trang tại khu vực công cộng kể từ ngày 27/2, thay vì các lựa chọn thay thế được phép trước đây như đeo khăn quàng cổ và khăn che mặt.
Bộ trưởng Y tế Ba Lan Adam Niedzielski nhận định, tình hình dịch bệnh nghiêm trọng bên ngoài biên giới Ba Lan, đặc biệt là ở phía Nam. Tại Séc và Slovakia, số liệu về dịch bệnh đang cao gấp 3-4 lần so với Ba Lan. Vì vậy, Ba Lan quyết định áp dụng biện pháp cách ly đối với những người đến từ những nước này.
Nước láng giềng Séc đã ghi nhận trung bình gần 1.000 ca nhiễm mới trên 1 triệu dân mỗi ngày. Thủ tướng Séc Andrej Babis đánh giá tình hình dịch bệnh tại nước này đang diễn biến “cực kỳ nghiêm trọng”, lưu ý rằng các biện pháp chống dịch hiện có phải được thắt chặt.
Chính phủ Séc tiếp tục ban bố tình trạng khẩn cấp mới trong 30 ngày, kể từ ngày 27/2. Hạ viện Séc cũng đã thông qua Luật về đại dịch, cho phép Bộ Y tế và các cơ sở y tế có nhiều lựa chọn hơn trong việc áp đặt các hạn chế.
Liên quan vấn đề tiêm chủng ngừa COVID-19, Séc đã tiến hành tiêm chủng cho người dân, nhưng số lượng vắc xin hiện không đủ đáp ứng nhu cầu. Cho đến nay, chỉ có gần 582.000 liều vắc xin đã được tiêm, trong đó có khoảng 221.000 người đã được tiêm mũi thứ 2.
Tại Áo, chính phủ nước này đã áp đặt 2 đợt phong tỏa liên tiếp để kiềm chế đại dịch, người dân đã dần mất kiên nhẫn, trong khi thiệt hại về kinh tế và xã hội ngày càng trầm trọng. Dưới áp lực đó, Chính phủ Áo đã thận trọng thực hiện nới lỏng phong tỏa ở một số khu vực, trong khi vẫn duy trì các hạn chế ở những khu vực khác.
Trong khi đó, Hungary tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế hiện tại cho đến ngày 15/3. Các hạn chế bao gồm: giới nghiêm từ 20 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau; bắt buộc đeo khẩu trang; đóng cửa các nhà hát, rạp chiếu phim và khách sạn... Các nhà hàng chỉ bán hàng qua cửa sổ phục vụ khách mang đi.
Hungary đã bắt đầu sử dụng vắc xin của tập đoàn Sinopharm (Trung Quốc) để đối phó với làn sóng đại dịch mới. Tính đến ngày 25/2, hơn 508.000 người đã được tiêm vắc xin ít nhất 1 mũi, trong khi khoảng 211.000 người đã được tiêm 2 mũi.
Tại Slovakia, trong cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến giữa các nhà lãnh đạo EU ngày 25-26/2, Thủ tướng nước này Igor Matovic đã yêu cầu các nước thành viên khác hỗ trợ vắc xin cũng như nhân viên y tế cho Slovakia. Ngày 28/2, Chính phủ Slovakia đã thông qua các biện pháp hạn chế mới đến ngày 21/3 nhằm kiềm chế sự lây lan của COVID-19.
CÔNG THUẬN