Đức mong muốn duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015
Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 18/2 đã có cuộc điện đàm hiếm hoi với Tổng thống Iran Hassan Rouhani về vấn đề hạt nhân của Tehran, trong đó nhà lãnh đạo Đức bày tỏ quan ngại về việc tuân thủ Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), thường được gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, mà Iran ký kết với Nhóm P5+1.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. |
Theo người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Seibert, trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Merkel đã nhấn mạnh Chính phủ Đức rất mong muốn duy trì JCPOA, đồng thời bày tỏ quan ngại khi Iran tiếp tục không tuân thủ các nghĩa vụ theo thỏa thuận hạt nhân lịch sử này. Thủ tướng Merkel nhấn mạnh đã tới lúc cần những tín hiệu tích cực để kiến tạo niềm tin và nâng cao cơ hội hướng tới một giải pháp ngoại giao cho vấn đề hạt nhân Iran.
Cuộc điện đàm diễn ra trước thềm cuộc hội đàm giữa ngoại trưởng 3 nước châu Âu gồm Đức, Pháp và Anh tại Paris về vấn đề hạt nhân Iran, sau đó là cuộc hội đàm trực tuyến của Ngoại trưởng 3 nước châu Âu với người đồng cấp Mỹ nhằm đưa Mỹ quay trở lại JCPOA cũng như để Tehran tái tuân thủ các cam kết của nước này theo thỏa thuận.
Hiện các nước châu Âu đang nỗ lực đối thoại để cứu vãn thỏa thuận JCPOA mà Mỹ, dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận. Một trong những điểm còn tranh cãi là việc Mỹ hay Iran phải thực hiện những bước đi đầu tiên nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân.
Sau khi Mỹ rút đi, Iran cũng đã từng bước rút một số cam kết theo thỏa thuận. Cuộc gặp của Ngoại trưởng 3 nước châu Âu nêu trên diễn ra sau khi Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei yêu cầu Mỹ cần phải “hành động” nhằm giúp hồi sinh thỏa thuận hạt nhân.
Trong khi đó, Tổng thống Rouhani khẳng định nếu các biện pháp trừng phạt Iran được gỡ bỏ, Tehran sẽ chỉ mất vài giờ để xác thực hành động và quay trở lại thực thi các cam kết theo thỏa thuận JCPOA.
Trước đó cùng ngày, Tổng thống Rouhani tuyên bố Tehran sẵn sàng đối thoại với người đứng đầu Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), trước thời hạn chót vào tuần tới, vốn được các nhà lập pháp nước này đặt ra về việc đình chỉ một số hoạt động thanh sát hạt nhân tại Iran. Ông Rouhani khẳng định Iran sẽ phối hợp với IAEA cũng như không trục xuất các thanh sát viên của tổ chức này sau khi các biện pháp mới có hiệu lực vào ngày 23/2 tới.
Đặc phái viên của Iran tại IAEA Kazem Gharibabadi cho biết, Giám đốc IAEA Rafael Grossi sẽ đến Tehran nhằm thảo luận về cách thức phối hợp với Iran trên cơ sở kế hoạch mở rộng quy mô hợp tác, vốn được đưa ra hôm 16/2.
PHƯƠNG UYÊN (TTXVN)