.

Cứ 3 phút lại có 1 động vật hoang dã bị giết

Cập nhật: 07:57, 09/01/2021 (GMT+7)

9 giờ sáng, David Bronson, người Mỹ, lên chiếc máy bay trực thăng R-4 tại một sân bay bằng đất nện nằm trong một khu rừng ở Pretoria, Nam Phi với khẩu súng trường M-18 có gắn ống ngắm. Anh ta không phải là thành viên của quân đội Mỹ hoặc làm việc hợp đồng với kiểm lâm Nam Phi mà đơn giản là anh ta chỉ đi săn heo rừng theo một giấy phép do một quan chức cấp cao ở Nam Phi phê chuẩn.

Một bức ảnh “tự sướng” của thợ săn David Bronson.
Một bức ảnh “tự sướng” của thợ săn David Bronson.

Sau khoảng 25 phút bay, chiếc trực thăng đến một vùng đất khô cằn. Chẳng khó khăn gì để David nhìn thấy một bầy heo rừng đang chúi mũi vào những đọt cây non trên mặt đất. Đưa súng lên ngắm rồi bóp cò vài lần, kết quả là 4 con heo gồm 2 lớn, 2 nhỏ nằm bất động trong lúc những con còn lại chạy tán loạn.

Việc săn bắn hợp pháp một số loài thú rừng của David Bronson không phải là cá biệt ở Nam Phi, mà nó đã tồn tại từ lâu. Theo báo cáo của Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã, trong một thập kỷ qua, cứ 3 phút lại có 1 con thú bị giết, phần lớn do những người giàu xem việc săn bắn là thú tiêu khiển chứ không nhằm mục đích để lấy thịt. Họ đến điểm săn bằng xuống máy, xe địa hình hoặc trực thăng. Thậm chí một câu lạc bộ có tên Hunter International còn trao giải thưởng đặc biệt cho những ai bắn được hơn 80 con thú trong một mùa săn, bao gồm lợn rừng, linh dương đầu bò, dê núi, chó rừng và cả linh cẩu.

Ở Mỹ, những chuyến săn heo rừng bằng máy bay đã tạo ra một cơn sốt, được mệnh danh là “Hogpocalypse Now”, lấy cảm hứng từ bộ phim Apocalypse Now phát hành năm 1979, trong đó lính Mỹ trên trực thăng quân sự xả súng vào những thường dân Việt Nam không vũ trang. Trang web của “Trực thăng săn heo rừng” có trụ sở tại bang Texas quảng cáo: “Không gì bằng tiếng hú của cánh quạt trực thăng trước hàng đàn heo rừng rồi chỉ bằng một ngón tay xiết cò súng, nó sẽ kích hoạt sự hưng phấn của bạn”, kèm theo đó là hình ảnh của những con vật bị bắn hạ cùng sự tự mãn của thợ săn.

Một nhóm khác ở Anh Quốc là Stud Game Breeders mà theo báo cáo của Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã, một quan chức cao cấp Nam Phi đã kiếm được khoảng 7 triệu bảng Anh từ các giấy phép săn bắn động vật hoang dã, cấp cho nhóm này và một số nhóm khác mỗi năm. Phản ứng lại, quan chức này nói: “Trang trại động vật hoang dã trên đất nước tôi là nơi tổ chức trò chơi và được điều hành theo các nguyên tắc bảo tồn động vật hoang dã nghiêm ngặt nhất. Tôi không tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp hoặc phi đạo đức”.

Hiện tại, lợi nhuận của ngành công nghiệp săn bắn giải trí được ước lượng khoảng 300 triệu bảng Anh mỗi năm. Từ năm 2010 đến 2020, nó đã giết khoảng 1,7 triệu con vật, trong đó có những loài đang đứng trên bờ tuyệt chủng như voi, tê giác, cọp và sư tử. Gần 800 thợ săn đã giành được giải thưởng “African Big 5 - tạm dịch: 5 con thú khủng  ở châu Phi”, vì đã giết ít nhất 1 con sư tử, 1 con voi, 1 con báo, 1 con tê giác đen hoặc trắng và 1 con trâu trong một mùa săn.

Nhằm tránh sự phản đối của thế giới, các thành viên câu lạc bộ săn bắn Hunter International đã tài trợ 600.000 bảng Anh cho thú vui dã man này bằng cách sử dụng những tài khoản ảo trên trang web Facebook và Twitter, giả như người châu Phi. Những chuyến săn được họ gọi là “đi dã ngoại hoặc đi cắm trại”, trực thăng là “chim ruồi”, súng săn gọi là “nhang đuổi muỗi”. Vì thế, trước những dòng trạng thái đại loại như “Tuần sau chúng ta sẽ tổ chức đi dã ngoại để ngắm và chụp hình loài chim ruồi cánh đỏ nhưng bạn nhớ mang theo nhang đuổi muỗi vì vùng này có thể có bệnh sốt rét…” thì không mấy người hiểu được ẩn ý của nó. Một thành viên dấu tên của Hunter International tiết lộ mỗi chuyến đi săn, người tham gia phải trả 5.500 bảng Anh nếu bay đến Nam Phi từ nước Anh, hoặc 6.000USD nếu đến từ Mỹ. Bob Kane, thành viên của Hunter International đã không dấu diếm sự hãnh diện khi đưa lên trang web cá nhân bức ảnh chụp ông ta trong phòng khách mà ở bức tường sau lưng là đầu của những con báo gấm, trâu, heo rừng, Trong dòng trạng thái, Bob viết: “Cái cảm giác khi siết cò súng thật là tuyệt vời vì bạn biết rằng cái đầu của con vật ấy sẽ mãi mãi bên cạnh bạn…”.

Ở một khía cạnh khác, những nhóm thành viên giàu có, chủ yếu ở vài quốc gia châu Á, trả tiền mua giấy phép săn bắn động vật hoang dã không phải để tiêu khiển mà để lấy một số bộ phận trong cơ thể chúng như sừng tê giác, dương vật và xương cọp, mật và bàn tay gấu… với niềm tin chúng sẽ chữa lành các bệnh nan y, kể cả bệnh ung thư, hoặc tăng cường sức mạnh tình dục mặc dù theo các chuyên gia Y học hàng đầu thế giới, đó chỉ là niềm tin hoang đường. Những thứ này được đưa lậu về xứ sở của họ hoặc là họ sử dụng, hoặc bán lại cho người khác. Ông Goncalves, người điều hành Quỹ bảo vệ động vật hoang dã nói: “Các thế hệ tương lai sẽ kinh ngạc khi nhìn lại cách người ta cho phép các loài động vật nguy cấp nhất trên thế giới bị những kẻ máu lạnh bắn hạ từ máy bay để có được những bức ảnh tự sướng, những nụ cười toe toét cùng những món quà lưu niệm ghê rợn. Với những kẻ này, săn lùng danh hiệu “vua bắn thú” là sự hãnh diện, được kích thích bởi một ngành công nghiệp toàn cầu, sử dụng sức mạnh kỹ thuật dưới sự tiếp tay của những quan chức bị tiền bạc thao túng…”.

Vẫn theo ông Goncalves, nếu chúng ta không ra tay ngăn chặn một cách cương quyết thì một ngày không xa lắm, con cháu chúng ta sẽ chỉ nhìn thấy nhiều loại động vật hoang dã trên sách báo, phim ảnh chứ không phải là thấy chúng tự do trong thiên nhiên.

VŨ CAO (Theo Nhân chứng Toàn cầu)

.
.
.