.
NƠI SẢN XUẤT THUỐC KHÁNG NỌC RẮN LỚN NHẤT THẾ GIỚI

Kỳ 2: Những con ngựa cứu người

Cập nhật: 18:54, 04/12/2020 (GMT+7)

1. Trở lại với ICP, quy trình lấy nọc rắn ở đây diễn ra theo một trình tự nhất định. Thoạt tiên, Greivin Corrales, chuyên gia xử lý của ICP xách ra một cái xô, trong có con rắn Terciopelo dài 6m. Dùng cái móc đầu cong như dấu hỏi, Corrales nhẹ nhàng kéo cái đầu hình tam giác màu nâu đậm xen lẫn nâu nhạt của con rắn ra khỏi xô. Corrales nói: “Chiếc xô đựng con rắn đã được bơm đầy khí carbon dioxide, tạm thời làm nó an thần, tránh những căng thẳng khi lấy nọc”. Vẫn theo Corrales, việc sử dụng khí carbon dioxide đã được thực hiện từ lâu và rất an toàn, nhưng: “Nếu bạn làm việc này, bạn đừng quá tự tin. Một khi bạn quá tự tin, bạn sẽ gặp rắc rối” bởi từng có một chuyên gia xử lý rắn ở ICP vì chủ quan, cho rằng con Terciopelo đã thấm carbon dioxide nên thay vì dùng móc để kéo nó ra khỏi xô, ông dùng tay. Corrales nói: “Kết quả là con rắn mổ ông một nhát. May mà huyết thanh kháng nọc có sẵn chứ nếu không, chắc chắn chúng tôi đã phải làm đám ma cho ông ấy rồi”.

Ngựa được tiêm nọc rắn để tạo kháng thể chống độc.
Ngựa được tiêm nọc rắn để tạo kháng thể chống độc.

Tuy nhiên khi lấy nọc rắn, các chuyên gia vẫn dùng tay không vì theo Corrales: “Nếu mang găng tay, bạn không cảm nhận được sự chuyển động của bộ hàm con rắn và bạn không kiểm soát được cú cắn của nó”. Để chứng minh, Corrales đưa tay nắm lấy đầu rắn còn người phụ việc cho ông là Chacon nâng thân mình và phần đuôi của con rắn lên. Sau đó Corrales đưa đầu rắn đến một cái lọ thủy tinh nhỏ, miệng lọ được bịt bằng miếng màng cao su căng cứng. Theo phản xạ, con Terciopelo há rộng hàm trên rồi cắn vào lớp màng cao su, nọc độc từ 2 răng nanh hơi sền sệt, màu vàng nhạt chảy xuống lọ. Nọc này được khử nước ngay để bảo quản. Chỉ vào chiếc hộp nhựa có kích thước dài 30cm, rộng 20cm và cao 20cm, chứa một loại bột màu vàng nhạt, Corrales  cho tôi biết: “Đó là nọc độc Terciopelo. Chúng tôi có 1,5kg, đủ để giết chết 24 triệu con chuột hoặc 200 ngàn người. Nó đắt hơn vàng. 1gam nọc rắn Terciopelo hiện tại có giá 1.170 USD”.

Theo Corrales sang khu điều chế huyết thanh, nơi 110 con ngựa đã được đưa đến. Ông nói: “Cứ 10 ngày một lần, nọc độc của rắn Terciopelo được tiêm vào cơ thể ngựa với liều lượng rất nhỏ trong 2 hoặc 3 tháng rồi sau đó cứ 2 tháng tiêm lại 1 lần, đủ để hệ thống miễn dịch của ngựa học cách nhận biết và tạo ra các kháng thể chống lại nọc độc”. Đến cuối tháng thứ 6, các chuyên gia của ICP hút máu ngựa, tách huyết thanh chứa kháng thể, lọc, làm sạch, khử trùng rồi đóng chai. Cuối cùng nó được gửi đến các trạm y tế, phòng khám, bệnh viện, nơi huyết thanh được pha loãng với nước muối rồi tiêm vào tĩnh mạch cho nạn nhân bị rắn cắn. Theo Corrales, mỗi năm ICP sản xuất khoảng 100.000 lọ thuốc chống nọc độc, đủ để điều trị cho người dân ở Mỹ Latin, Nam Á, Đông Nam Á và châu Phi. Corrales nói tiếp: “Quy trình chung cho việc sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn là vậy, nhưng liều lượng nọc độc của mỗi loại rắn để tiêm cho ngựa lại khác nhau bởi lẽ thành phần độc chất của rắn lục thì khác với rắn hổ đất…”.

2. Theo một khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm toàn cầu có khoảng 120.000 người chết vì bị rắn độc cắn, trong đó riêng Nam Á, Đông Nam Á và châu Phi là khoảng 85.000 người. Ở một số quốc gia trong vùng này, năng lực sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn rất ít hoặc không có. Tại Ấn Độ, mỗi năm có gần 50.000 ca tử vong do rắn độc cắn, chủ yếu từ loài rắn cạp nong, rắn hổ mang Ấn Độ, rắn hổ mang chúa và rắn hổ đất. Ở Nigeria, châu Phi, tỷ lệ tử vong hàng năm do rắn cắn được báo cáo là 60 người trên 100.000 người. Ngay như nước Mỹ, với nền y học hiện đại và ngành công nghiệp dược phẩm tiên tiến nhưng họ vẫn gặp phải tình trạng thiếu huyết thanh kháng độc bởi lẽ, hiện chỉ có 2 công ty ở Mỹ sản xuất huyết thanh dùng cho con người là Công ty Pfizer (huyết thanh kháng nọc độc rắn san hô) và Boston Scientific (huyết thanh kháng nọc độc rắn chuông) nhưng giá thành đắt hơn 30 lần so với sản phẩm cùng loại của ICP. Tiến sĩ Ricardo nói: “Ngay như Costa Rica, trước khi ICP ra đời, ngành y tế ghi nhận mỗi năm có 1.300 người chết vì bị rắn độc cắn nhưng hiện nay, con số này chỉ là 1 hoặc 2 người trên tổng số 5 triệu dân, tương đương với số người tử vong do tai nạn máy cắt cỏ ở Mỹ”. Được như vậy là nhờ quy trình sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn ngày càng tốt hơn. Tiến sĩ Jose María Gutierrez, cựu giám đốc ICP và là giáo sư danh dự tại Đại học Costa Rica cho biết: “Huyết thanh kháng nọc rắn phải chính xác ở cấp độ phân tử, giống như 2 ổ khóa luôn phải có 2 chìa khóa khác nhau dù chúng cùng nhãn hiệu. Nọc độc cũng thế, chúng khác nhau về mặt hóa học giữa các loài rắn nên huyết thanh kháng nọc để chống lại vết cắn của một loài rắn cụ thể phải được bào chế bằng chính nọc độc của loài rắn đó hoặc từ loài có nọc độc giống nó”. Ông nhấn mạnh: “Sản xuất huyết thanh kháng nọc không phải là ngành kinh doanh sinh lợi vì việc tiếp cận các loại thuốc thiết yếu nên được coi là một trong những quyền của con người. Bất kỳ ai bị rắn cắn đều có quyền nhận được chất chống độc”.

Vào thời điểm tôi đến thăm ICP (tháng 6-2019), ước tính có khoảng 1,5 triệu người ở Trung Mỹ, Nam Mỹ, châu Phi, Nam Á, Đông Nam Á và Caribe đã được điều trị bằng huyết thanh kháng độc của ICP. Gần đây, ICP còn tập trung sản xuất những loại huyết thanh mới, đặc biệt là ở Papua New Guinea - nơi sinh sống của loài rắn Taipan cực độc, hay như huyết thanh kháng độc với loài cá nóc, một loại cá được ưa chuộng trên các bàn ăn ở Đài Loan, Nhật Bản, Hong Kong… mà nọc độc của 1 con có thể giết chết 12 người.

VŨ CAO

.
.
.