Liên hợp quốc thông qua nghị quyết kép về xây dựng hòa bình
Ngày 22/12, Đại Hội đồng Liên hợp quốc Khóa 75 và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã cùng lúc thông qua Nghị quyết kép về Kiểm điểm kiến trúc xây dựng hòa bình, với mục đích thúc đẩy thực hiện các nghị quyết có liên quan từ trước đến nay về chủ đề này.
Một phiên họp của Đại Hội đồng Liên hợp quốc. |
Nội dung nghị quyết tái khẳng định trách nhiệm chủ đạo của quốc gia đối với giữ vững và xây dựng hòa bình, ghi nhận những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với tiến trình này, hoan nghênh báo cáo của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về xây dựng hòa bình và giữ vững hòa bình, đóng góp của Ủy ban Xây dựng hòa bình Liên hợp quốc (PBC) và các cuộc tham vấn khu vực, chủ đề đóng góp cho tiến trình kiểm điểm.
Nghị quyết cũng hoan nghênh tiến độ triển khai các nghị quyết kép có liên quan và khuyến khích các nước thành viên và các tổ chức thuộc Liên hợp quốc, thông qua quan hệ đối tác với các bên liên quan gồm tổ chức khu vực, tiểu khu vực, thể chế tài chính quốc tế cũng như địa phương, tiếp tục triển khai các nghị quyết về xây dựng và duy trì hòa bình.
Nghị quyết cũng ghi nhận tài chính cho xây dựng hòa bình tiếp tục là một thách thức và quyết định tổ chức một cuộc họp cấp cao tại Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 76 nhằm tìm kiếm giải pháp tài chính bền vững và kêu gọi kiểm điểm toàn diện xây dựng hòa bình Liên hợp quốc vào năm 2025.
Văn kiện này kêu gọi Tổng Thư ký Liên hợp quốc có báo cáo giữa kỳ vào năm 2022 và báo cáo chi tiết năm 2024 để phục vụ kiểm điểm, đồng thời tiếp tục báo cáo 2 năm/lần sau khi kiểm điểm về việc thực hiện các nghị quyết xây dựng hòa bình và duy trì hòa bình.
Tại phiên thông qua nghị quyết tại Đại hội đồng Liên hợp quốc, Chủ tịch Đại hội đồng Volkan Bozkir nhận định nghị quyết kép sẽ tiếp tục thúc đẩy nỗ lực chung toàn cầu về kiến trúc xây dựng hòa bình, trong đó cần chú trọng phòng ngừa xung đột, giải quyết gốc rễ vấn đề xung đột, tăng cường vai trò và sự tham gia của phụ nữ và thanh niên, củng cố hoạt động của Ủy ban Xây dựng Hòa bình Liên hợp quốc.
Các nỗ lực này cần có cách tiếp cận bao trùm, có tính đến các chính sách quốc gia và nhu cầu của người dân.
Tiến trình xây dựng, thương lượng nghị quyết do New Zealand, Saint Vincent và Grenadines là các nước đồng bảo trợ chủ trì đã diễn ra từ tháng 10 đến tháng 12/2020.
Năm 2005-2006, Đại hội đồng và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thành lập nên Ủy ban Xây dựng Hòa bình (PBC), Quỹ Xây dựng Hòa bình (PBF) và Văn phòng Hỗ trợ Xây dựng Hòa bình (PBSO), đóng góp cho cấu trúc xây dựng hòa bình của hệ thống Liên hợp quốc và xác định việc kiểm điểm kiến trúc xây dựng hòa bình sẽ được tiến hành 5 năm/lần nhằm tăng cường nỗ lực và thúc đẩy hiệu quả của tiến trình xây dựng hòa bình.
HẢI VÂN (TTXVN)