Campuchia và vấn đề bảo tồn văn hóa truyền thống
Ngày 10/6/2020, Bộ Nội vụ Campuchia đã hoàn tất một dự thảo luật về bảo tồn văn hóa truyền thống và đã được gửi đến tất cả các tỉnh, thành phố trong nước để lấy ý kiến trước khi trình lên Quốc hội. Tuy nhiên dự thảo luật đã vấp phải sự phản đối của nhiều thành phần trong xã hội Campuchia vì họ cho rằng nó sẽ ảnh hưởng đến quyền con người.
Những kiểu thời trang này có thể sẽ bị cấm khi dự luật bảo tồn văn hóa truyền thống được thông qua. |
1. Sự việc khởi đầu hồi tháng 2/2020, khi Thủ tướng Hunsen than phiền rằng những người bán hàng trực tuyến đã tạo dáng qua những bộ y phục hở hang nhằm thu hút người mua chú ý đến hàng hóa của họ. Ngay sau đó, Ven Rachna, người thường xuyên xuất hiện trên trang web bán hàng trực tuyến của cô và rất thành công với bộ áo cánh để hở cả nội y, bị mời đến đồn cảnh sát. Tại đây, Ven Rachna được giải thích rằng y phục của cô bị coi là có hại cho truyền thống Campuchia. Cô cũng được lệnh không chia sẻ thêm bất kỳ hình ảnh hoặc video nào với quần áo hở hang như vậy.
Hôm sau, một đoạn video được cảnh sát đăng lên Facebook cho thấy Ven Rachna công khai xin lỗi về hành động của mình nhưng theo cảnh sát, đó chỉ là cách để đối phó vì chỉ vài ngày, Ven Rachna lại tiêp tục “bổn cũ soạn lại”. Lần này, tòa án Phnom Penh buộc tội trang web của Ven Rachna liên quan đến nội dung khiêu dâm với mức án tù giam 6 tháng. May mắn thay, Ven Rachna chỉ ở tù 2 tháng thì được thả.
Ven Rachna chỉ là một trong nhiều trường hợp mà Chính phủ Campuchia nhắm đến trong quá trình thúc đẩy nhằm thông qua một dự luật về trật tự công cộng dưới danh nghĩa bảo tồn văn hóa Khmer và truyền thống dân tộc. Điều này đã làm dấy lên lo ngại rằng nhiều phụ nữ sẽ bị trừng phạt vì váy quá ngắn hoặc “quá xuyên thấu”, kể cả đàn ông cởi trần. Luật mới cũng có thể xử phạt vì gây ồn ào hoặc nói quá to, hoặc vi phạm lệnh cấm bán rượu từ nửa đêm đến 6 giờ sáng nếu không có giấy phép đặc biệt. Bên cạnh đó, luật còn đề xuất cấm những quầy hàng “tùy tiện và mất trật tự” nơi công cộng cùng tất cả các hình thức ăn xin. Luật cũng quy định thêm rằng những người bị “rối loạn tâm thần” phải luôn có người giám hộ đi cùng, và một điều khoản khác cấm “sử dụng khẩu trang hoặc các hình thức ngụy trang khác” ở nơi công cộng hoặc nơi riêng tư - trái ngược với khuyến nghị của Bộ Y tế Campuchia đối với việc đeo khẩu trang trong trường học, trên các phương tiện giao thông công cộng và trong rạp chiếu phim để phòng ngừa COVID-19.
Khi bản sao của dự thảo luật được công bố trên mạng xã hội, hơn 21.000 người đã ký vào bản kiến nghị trên trang web Change.org, phản đối dự thảo luật cấm quần áo “hở hang”. Seth Neary, sinh viên đại học - có khoảng 20.000 người theo dõi trên Facebook - cho biết cô phải viết về nó tại blog Switching: “Bằng cách làm điều đó (nghĩa là mặc quần áo hở hang) chúng ta có thể phá hủy văn hóa? Không, văn hóa biểu hiện bởi thói quen, tính cách và sự hấp thu giáo dục của từng người. Chúng ta có rất nhiều nền văn hóa cần phải bảo tồn. Họ (chính phủ) nghĩ về những thứ sẽ phá hủy văn hóa Campuchia nhưng họ không bao giờ nghĩ đến việc bảo tồn các phần khác”.
2. Vẫn nằm trong phạm vi của dự thảo luật, ngay cả những thiết kế của nhà thiết kế thời trang nổi tiếng Muoy Chorm có trụ sở tại Siem Reap cũng có thể bị xem xét kỹ lưỡng hơn nếu luật được thông qua, đặc biệt là những người mẫu nam hở ngực, khoác áo màu cam, lưới đánh cá trên lưng hoặc phụ nữ váy ngắn kết bằng những sợi dây. Tuy nhiên Chorm cho biết anh không tin rằng những bức ảnh chụp thiết kế của mình sẽ vi phạm luật bởi việc làm mẫu diễn ra trong bối cảnh bên ngoài cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày. Chorm tin rằng chính quyền sẽ tôn trọng điều đó.
Chorm có thể nói đúng, nhưng Bộ Văn hóa Campuchia lại khác. Năm 2017, Bộ đã cấm nữ diễn viên Denny Kwan biểu diễn 1 năm vì trang phục “khiêu khích” của cô. Năm 2018, cựu nữ diễn viên Sok Srey Mouch đã nhận được cảnh báo từ Bộ về cách ăn mặc của cô sau khi mạng xã hội đăng một số bức ảnh cô mặc áo hở hang. Mouch nói: “Tôi không hiểu mình đang hủy hoại văn hóa Campuchia theo cách nào. Tôi cũng không muốn giải thích với bất cứ ai có suy nghĩ đó. Khi tôi chết, tôi không thể mang xác tôi theo. Vì vậy, tôi nghĩ điều quan trọng là làm những gì khiến tôi hạnh phúc”.
Vẫn theo Sok Srey Mouch, cô hy vọng các nhà lập pháp sẽ đủ cởi mở để nhìn vào các quốc gia láng giềng, và điều khoản của luật liên quan đến việc ăn mặc hở hang chỉ nên áp dụng cho những nơi linh thiêng, tín ngưỡng hoặc những nơi đòi hỏi sự nghiêm túc, trang trọng. Mouch nói tiếp: “Luật không nên áp dụng cho mọi nơi bởi cô gái nào mà không thích ăn mặc để người ngoài nhìn vào thấy mình đẹp…”.
Trước những ý kiến ấy, ông Ouk Kim Lek, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Campuchia hồi tháng trước nói với tờ The Phnom Penh Post rằng hầu hết chính quyền cấp tỉnh - những người sẽ được giao nhiệm vụ thực thi luật - đã lên tiếng ủng hộ nó nhưng ông cũng cho biết việc làm rõ nội hàm của luật đã tính đến một số địa phương ven biển, nơi có những bãi tắm, xem có được miễn hay không.
VŨ CAO
(Theo South China Morning Post)