.

Anh công bố toàn văn thỏa thuận thương mại với EU

Cập nhật: 18:22, 27/12/2020 (GMT+7)

Anh vừa chính thức công bố toàn văn thỏa thuận thương mại mà nước này và Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt được. Văn bản bao gồm một tài liệu thương mại dày 1.246 trang cũng như các thỏa thuận về năng lượng hạt nhân, trao đổi thông tin mật, năng lượng hạt nhân dân sự và một loạt các tuyên bố chung.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (phải) và Thủ tướng Anh Boris Johnson trong cuộc gặp tại Brussels (Bỉ), ngày 9/12.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen (phải) và Thủ tướng Anh Boris Johnson trong cuộc gặp tại Brussels (Bỉ), ngày 9/12.

Anh và EU đạt thỏa thuận thương mại hậu Brexit vào chiều tối ngày 24/12 sau gần 9 tháng đàm phán căng thẳng.

Lãnh đạo hai bên đều đã bày tỏ hoan nghênh bước tiến này, coi đây là thành quả cho những nỗ lực đàm phán suốt thời gian qua và là món quà Giáng sinh ý nghĩa dành cho cả hai bên.

Thỏa thuận thương mại Anh và EU vừa đạt được sẽ giúp các DN hai bên có quyền tiếp cận các thị trường của nhau thuận lợi hơn rất nhiều so với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bảo đảm rằng hàng hóa mua bán giữa hai bên không phải đối mặt với hạn ngạch và thuế quan.

Mặc dù vậy, mối quan hệ Anh và EU từ ngày 1/1/2021 sẽ thay đổi, hạn chế hơn nhiều so với hiện tại.

Về mua bán hàng hóa giữa hai bên, vốn chiếm một nửa trong số 900 tỷ USD kim ngạch thương mại hàng năm của EU-Anh, với thỏa thuận này Anh là nền kinh tế ngoài EU duy nhất trên thế giới được quyền tiếp cận thị trường chung châu Âu một cách rộng mở như vậy.

Tuy nhiên, dù có được ưu đãi, Anh sẽ không được hưởng những quyền như khi là thành viên của thị trường chung và liên minh hải quan châu Âu. Kể từ ngày 1/1/2021, hàng rào kiểm soát biên giới và hải quan cứng sẽ được dựng lên giữa Anh và EU.

Hàng hóa qua lại giữa hai bên sẽ phải đối mặt với việc kiểm tra, kiểm soát và những thủ tục hải quan nhất định.

Về cạnh tranh bình đẳng, EU chấp nhận thương mại phi thuế quan để đổi lấy việc Anh chấp nhận duy trì các tiêu chuẩn về trợ cấp nhà nước, môi trường và các quyền của người lao động nhằm đảm bảo một “sân chơi bình đẳng” cho các DN EU.

Tuy nhiên, Anh sẽ không bị bắt buộc phải tuân theo các quy định của EU hoặc chịu sự tài phán của Tòa án Công lý châu Âu một cách trực tiếp. Nhưng việc không còn nằm trong thị trường chung châu Âu cũng dẫn đến một số hậu quả pháp lý khác. Ví dụ một sản phẩm của DN Anh, được cơ quan quản lý Anh cấp phép cho lưu hành tại thị trường nước này, nhưng điều đó không có nghĩa là sản phẩm đó cũng được phép lưu hành trên thị trường EU như trước đây.

Theo thỏa thuận, các ngư dân EU được bảo đảm quyền tiếp cận các vùng biển của Anh trong khoảng thời gian quá độ kéo dài hơn 5 năm kể từ ngày 1/1/2021, nhưng với hạn ngạch bị cắt giảm 25% so với hiện nay.

Khi thời gian quá độ trên kết thúc, quyền tiếp cận các vùng biển Anh sẽ phụ thuộc vào những cuộc đàm phán hàng năm giữa hai bên.

PHƯƠNG HỒ (TTXVN)

 
.
.
.