.
SĂN BẮT ĐỘNG VẬT HOANG DÃ Ở CHÂU MỸ LA TINH THỜI COVID-19

Kỳ 1: Những con vật hái ra tiền

Cập nhật: 18:13, 02/10/2020 (GMT+7)

Khi đại dịch COVID-19 tràn đến các quốc gia khu vực Mỹ Latinh thì ngoài việc suy thoái kinh tế, nó còn kéo theo nạn săn bắt động vật hoang dã để bán ra nước ngoài bất hợp pháp bởi lẽ, nhiều người thất nghiệp xem đó là cách kiếm tiền sinh sống qua ngày…

Những con vẹt đầu xanh lam ngọc dấu trong thùng carton bị cảnh sát Brazil bắt giữ.
Những con vẹt đầu xanh lam ngọc dấu trong thùng carton bị cảnh sát Brazil bắt giữ.

1. Nói một cách công bằng, hàng chục năm trước khi đại dịch COVID-19 bùng nổ, nạn săn bắt, mua bán động vật hoang dã ở một số quốc gia thuộc Mỹ Latinh đã diễn ra với tốc độ chóng mặt mà nguyên nhân là ngày càng có nhiều người giàu ở Mỹ, châu Âu chọn động vật hoang dã làm “thú cưng” dù họ biết rằng việc đó là bất hợp pháp.

Jeffrey Lendrum, người Ireland chẳng hạn, anh ta nổi tiếng trong lĩnh vực mua bán các loài chim ăn thịt, xuất xứ từ Brazil. Để qua mặt cơ quan chức năng, Jeffrey không bao giờ mang những con chim còn sống vào Anh Quốc mà anh ta mang trứng! Cứ mỗi quả trứng chim ưng Peregrine, bọn săn trộm bản xứ bán cho Jeffrey với giá 100 USD nhưng nếu đem lọt vào nước Anh rồi ấp bằng phương pháp thủ công, người mua phải trả cho Jeffrey 7.500 USD mỗi con chim non 4 tuần tuổi.

Ngày 24/6/2018, Jeffrey bị bắt tại sân bay Heathrow (London, Anh) với 19 quả trứng, gồm: chim ưng Peregrine, đại bàng biển Steller, đại bàng đuôi trắng, đại bàng mào châu Mỹ, diều hâu Badius, diều hâu Cooper và diều hâu bụng trắng. Tất cả 19 quả trứng ấy được Jeffrey buộc trong người. Theo cảnh sát Anh Quốc, nếu trứng ấp nở hết, Jeffrey sẽ kiếm được 130 ngàn USD! Ra tòa, Jeffrey lĩnh án 3 năm tù với tội danh nhập lậu vào nước Anh các động vật nằm trong danh sách có nguy cơ tuyệt chủng.

Trước đó, năm 2016, Jeffrey cũng đã bị bắt lúc lên chuyến bay từ Sao Paulo (Brazil) đến Johannesburg (Nam Phi) cùng 4 quả trứng chim ưng Peregrine bạch tạng mà anh ta mua bất hợp pháp ở Chile, trị giá 80.000 USD trên thị trường chợ đen. Do nộp tiền bảo lãnh nên Jeffrey được tại ngoại. Vì thế, nghe tin Jeffrey bị Anh Quốc bắt, văn phòng công tố Brazil đề nghị Anh Quốc cho phép dẫn độ anh ta về Brazil để chấp hành hình phạt 4 năm rưỡi tù.

2. Đầu năm 2020, khi đại dịch COVID-19 tràn vào Mỹ Latinh, một báo cáo của Mạng lưới giám sát động vật hoang dã (Traffic) và Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF) cho thấy, buôn lậu trứng thay vì chim sống đã trở thành một lựa chọn ngày càng phổ biến ở Mỹ Latinh. Trên các chuyến bay giữa Brazil và Bồ Đào Nha, trứng chim vẹt, chẳng hạn như vẹt đuôi dài mặt trời, vẹt Mongabay có lông đầu màu lam ngọc được lén lút đưa vào châu Âu. Sau đó, chúng chuyển đến các trang trại hợp pháp để ấp. Khi chim non chào đời, mỗi con sẽ có một bản lý lịch rồi bán ra thị trường như những loài chim sinh trưởng và được nuôi ở trang trại. Theo WWF, biện pháp duy nhất để phát hiện một con chim có thực sự được nuôi ngay từ khi mới nở hay không là kiểm tra nguồn gốc DNA của chúng. Bằng cách nhổ lông rồi phân tích thành phần cấu tạo lông, các chuyên gia sẽ biết sự tăng trưởng của lông là từ nguồn thức ăn thiên nhiên hay thức ăn tổng hợp.

Ngoài các loài chim ăn thịt, chim biết hót cũng là mục tiêu mà những kẻ săn bắt trộm và bọn mua bán lậu nhắm đến. Ở những loài này, kẻ săn trộm chỉ tìm bắt chim sống chứ không lấy trứng bởi trong tự nhiên, chim non sẽ hót theo tập tục bầy đàn. Richard Thomas, người phát ngôn của Mạng lưới giám sát động vật hoang dã (Traffic) cho biết các cuộc thi chim hót giờ đã trở thành phổ biến ở một số bang nước Mỹ, Trung Quốc và Hà Lan. Người ta đặt cược cho từng con chim để xem con nào hót hay nhất, con nào hót lâu nhất. Một cuộc điều tra của tờ New York Times cho thấy cứ mỗi con chim biết hót, người mua ở Mỹ phải trả từ 6.000 đến 15.000 USD tùy từng loài, trong lúc những kẻ săn bắt trộm chỉ được bọn mua bán trả cho họ mỗi con từ 20-50 USD. Richard Thomas nói: “Phần lớn những con chim biết hót đều nhập lậu từ Brazil hoặc Peru. Và mặc dù chúng sinh sản nhanh nhưng nếu nuôi trong lồng, phần lớn chúng bị tuyệt chủng bởi đó không phải là cuộc sống tự nhiên của chúng…”.

Ngày 15/1/2020, Hugo Conings, công dân Bỉ bị bắt tại sân bay Lima (Peru) khi buôn lậu 20 con chim sống đựng trong các hộp carton trên chuyến bay đến Madrid (Tây Ban Nha). Theo Cơ quan lâm nghiệp Peru, 18 trong số 20 con chim này là loài chim sáo trắng, hiện nằm trong sách đỏ. Chúng có khả năng hót ở cung bậc rất cao, kéo dài hơn 1 phút. Tại thị trường chợ đen Tây Ban Nha, mỗi con sáo trắng trưởng thành có giá 12.000 USD nhưng nếu đưa được sang Hà Lan, chúng là 25.000 USD…

VŨ CAO

(Theo Latin America Today)

 
.
.
.