Khủng hoảng kinh tế do COVID-19 không nghiêm trọng như dự báo
Ngày 14/10, tại kỳ họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra theo hình thức trực tuyến, IMF công bố báo cáo nhận định rằng, những thiệt hại do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với nền kinh tế toàn cầu sẽ không nghiêm trọng như những dự báo trước đó nhờ sự can thiệp mạnh mẽ của các chính phủ trên thế giới.
Người dân mua hàng trong siêu thị tại Hyderabad, Ấn Độ. |
IMF dự báo, mặc dù đại dịch COVID-19 vẫn gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ cuộc đại suy thoái năm 1930, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới sẽ chỉ giảm 4,4% trong năm nay, ít hơn mức dự báo giảm 5,2% mà IMF đưa ra hồi tháng 6 vừa qua.
IMF cũng nhận định Trung Quốc, quốc gia đầu tiên bùng phát dịch COVID-19, sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất của thế giới có thể tăng trưởng trong năm nay, với dự báo mức tăng GDP 1,9% - thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,1% năm 2019, song có thể bứt phá với mức tăng trưởng lên tới 8,2% trong năm tới 2021.
Nhà kinh tế trưởng của IMF, bà Gita Gopinath cho rằng, chính sự tăng trưởng của Trung Quốc đã kéo các chỉ số toàn cầu tăng lên đôi chút. Trong khi những khu vực như châu Âu hay Mỹ Latinh sẽ phải đợi đến năm 2023 mới có thể hồi phục trở lại mức tăng trưởng trước khi đại dịch xảy ra.
Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới giữa năm của IMF, bà Gopinath nhận định rằng, mặc dù thế giới đang trải qua thời điểm hết sức khó khăn, nhưng có nhiều cơ sở để hy vọng vì việc xét nghiệm COVID-19 đang được tiến hành trên diện rộng, nỗ lực điều trị COVID-19 có nhiều tiến triển, trong khi công cuộc thử nghiệm vắc xin đang được tiến hành với tốc độ nhanh chưa từng có ở nhiều nơi trên thế giới.
Theo IMF, sự ứng phó nhanh, kịp thời và trên diện rộng về nhiều mặt của các chính phủ trên thế giới giúp nền kinh tế toàn cầu không tồi tệ như những dự báo trước đó, những yếu tố khác góp phần làm triển vọng kinh tế toàn cầu sáng sủa hơn là một số nền kinh tế đã vận hành tốt hơn mong đợi trong quý II/2020, thậm chí nhiều nền kinh tế cho thấy có dấu hiệu phục hồi trong quý III, cho dù những tín hiệu phục hồi tích cực này chưa chắc chắn.
Cũng theo IMF, triển vọng kinh tế năm 2020 có cải thiện ở hầu hết các nền kinh tế phát triển và mới nổi, bao gồm Mỹ, châu Âu, Brazil và Nga. Tuy nhiên, với khu vực Đông Nam Á và Ấn Độ thì dự báo không được tích cực như vậy.
Mặc dù hầu hết các nền kinh tế phát triển sẽ hồi phục vào năm 2021 nhưng cũng sẽ không thể bù đắp được hết những thiệt hại trong năm 2020. Trong năm 2021, tăng trưởng của Mỹ được dự báo đạt 3,1% so với mức giảm 4,3% năm nay; châu Âu sẽ đạt tăng trưởng 5,2% so với mức giảm 8,3% năm nay; Nhật Bản sẽ tăng trưởng 2,3% nhưng giảm 5,3% trong năm nay.
Tổng giao dịch thương mại thế giới sẽ tăng khoảng 8,3% trong năm 2021 sau khi giảm 10,4% năm nay. Điều này cho thấy hầu hết các nước sẽ mất khoảng vài năm để có thể phục hồi kinh tế hoàn toàn.
Trong báo cáo, IMF điều chỉnh mức dự báo suy giảm của kinh tế khu vực Mỹ Latinh trong năm 2020, từ mức giảm 9,4% xuống mức giảm 8,1%.
Tuy nhiên, các chuyên gia IMF cho rằng, Mỹ Latinh và Caribe sẽ là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động từ cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19. Theo đó, IMF hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ Latinh năm 2021 xuống còn 3,6% so với mức dự báo tăng trưởng 3,7% đưa ra tháng 6 vừa qua.
VÂN TÙNG (TTXVN)