Nâng cao vai trò của Liên hợp quốc trong thời kỳ mới
Sự ra đời của LHQ năm 1945 phản ánh khát vọng chung của nhân dân các nước về một thế giới hòa bình, an ninh và phát triển sau những nỗi kinh hoàng của Chiến tranh thế giới thứ II. Đến nay, LHQ đã trải qua 75 năm phát triển, trở thành tổ chức toàn cầu rộng rãi nhất với sự tham gia của hầu như toàn bộ các quốc gia độc lập trên hành tinh.
Quang cảnh phiên họp toàn thể cấp cao của Đại hội đồng LHQ khóa 75 kỷ niệm Ngày Quốc tế về xóa bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân, ngày 2/10/2020. |
Từ 51 quốc gia thành viên khi được thành lập, LHQ hiện có 193 quốc gia thành viên và trở thành một hệ thống toàn diện gồm 6 cơ quan chính, nhiều cơ quan phụ trợ, 20 tổ chức chuyên môn và 5 Ủy ban KT-XH đặt ở các khu vực, hàng chục quỹ và chương trình, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực, từ giải quyết, ngăn ngừa xung đột, giải trừ quân bị, không phổ biến, chống khủng bố, bảo vệ người tỵ nạn, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, thúc đẩy dân chủ, nhân quyền, bình đẳng giới, phát triển kinh tế và xã hội… Với những thành tựu quan trọng đã đạt được, LHQ đã được cộng đồng quốc tế thừa nhận là tổ chức toàn cầu có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế và là nền tảng không thể thiếu cho một thế giới hòa bình, thịnh vượng, công bằng hơn.
Trong 75 năm qua, LHQ đã góp phần ngăn chặn không để xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới mới, hỗ trợ giải quyết nhiều cuộc xung đột và tranh chấp quốc tế mà minh chứng rõ nét là LHQ đã triển khai 71 Phái bộ gìn giữ hòa bình để giúp chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình, hỗ trợ công cuộc tái thiết ở nhiều quốc gia thành viên. LHQ đã triển khai 74 hoạt động gìn giữ hòa bình ở nhiều khu vực trên thế giới; soạn thảo và xây dựng được một hệ thống các công ước quốc tế về giải trừ quân bị…
Thông qua các nỗ lực của LHQ, các quốc gia đã xây dựng và ký kết nhiều điều ước quốc tế quan trọng nhằm xây dựng một thế giới an toàn hơn và công bằng hơn cho tất cả mọi người.
Năm 1948, Đại hội đồng LHQ thông qua Tuyên ngôn Nhân quyền, đưa ra những quyền và tự do cơ bản của con người. Văn kiện này đã làm cơ sở cho việc ra đời hơn 80 công ước và tuyên bố quốc tế về quyền con người, trong đó Công ước về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa và Công ước về quyền dân sự và chính trị. LHQ cũng chú trọng việc bảo đảm thực hiện những quyền cơ bản này của người dân trên toàn thế giới.
LHQ đã có những đóng góp to lớn trong việc pháp điển hóa và phát triển luật pháp quốc tế, đưa ra khuyến nghị định hướng cho các chủ đề của luật pháp quốc tế và xây dựng chuẩn mực cho các lĩnh vực chuyên môn khác nhau. Hơn 500 điều ước quốc tế đa phương quan trọng trong nhiều lĩnh vực đã được ký kết, tạo khuôn khổ chung cho việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy phát triển KT-XH.
Ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức gia nhập LHQ. Quan hệ hợp tác Việt Nam – LHQ trong hơn 40 năm qua đã góp phần bảo vệ, thúc đẩy lợi ích quốc gia - dân tộc, nhất là duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh, thuận lợi cho phát triển đất nước, thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng.
HỒNG ĐIỆP (TTXVN)