Vắcxin COVID-19 của Johnson & Johnson cho phản ứng miễn dịch mạnh
Loại vắcxin của hãng Johnson & Johnson có tên Ad26.COV2.S đã tạo ra kháng thể trung hòa giúp bảo vệ tế bào khỏi sự tấn công của mầm bệnh ở 98% số người tham gia sau 29 ngày tiêm.
Người dân sát khuẩn tay phòng lây nhiễm COVID-19 tại Toronto, Canada, ngày 17/9/2020. |
Kết quả thử nghiệm ban đầu loại vắcxin một liều dùng của hãng Johnson & Johnson đã cho thấy phản ứng miễn dịch mạnh mẽ chống lại virus SARS-CoV-2. Theo kết quả thử nghiệm lâm sàng từ giai đoạn đầu đến giai đoạn giữa được công bố trên trang web y tế medRxiv ngày 25/9, vắcxin có tên Ad26.COV2.S đã tạo ra kháng thể trung hòa giúp bảo vệ tế bào khỏi sự tấn công của mầm bệnh ở 98% số người tham gia sau 29 ngày tiêm. Tuy nhiên, phản ứng miễn dịch chỉ có ở 15 người ở độ tuổi trên 65, điều này đặt ra nghi vấn rằng liệu loại vắcxin này có hiệu quả đối với những người cao tuổi, một trong những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh, như những đối tượng khác hay không.
Cuộc thử nghiệm do Chính phủ Mỹ hỗ trợ đối với 1.000 người trưởng thành khỏe mạnh trên được Johnson & Johnson thực hiện sau khi hãng này phát triển được vắcxin hồi tháng 7 vừa qua. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu này, ngày 23/9, Johnson & Johnson đã bắt đầu giai đoạn thử nghiệm cuối cùng - giai đoạn 3 - đối với 60.000 người, qua đó có thể mở đường cho việc xin phê duyệt vắcxin theo quy định. Hãng hy vọng kết quả của giai đoạn thử nghiệm này sẽ có vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau.
Ngày 25/9, Mexico và Costa Rica đã tuyên bố tham gia sáng kiến do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng nhằm tạo điều kiện cho các nước nghèo tiếp cận với các loại vắcxin ngừa COVID-19. Sáng kiến có tên COVAX, do WHO điều hành và tài trợ cùng với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Quỹ Bill & Melinda và Ngân hàng Thế giới (WB).
COVAX đặt mục tiêu đảm bảo 2 tỷ liều vắcxin ngừa COVID-19 an toàn và hiệu quả vào cuối năm 2021 và đảm bảo sự phân phối công bằng hơn. COVAX đang nỗ lực để quyên góp đủ số tiền cần thiết để cung cấp cho 92 nước có thu nhập thấp. Hiện hơn 60 quốc gia giàu có, trong đó có 27 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), đã cam kết tham gia sáng kiến này.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết chính phủ nước này sẽ đóng góp khoảng 220 triệu CAD (164 triệu USD) cho COVAX để được quyền mua 15 triệu liều vắcxin cho người dân nước này, đồng thời cũng sẽ dành 220 triệu CAD để cung cấp vắcxin cho các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Thủ tướng Anh Boris Johnson dự kiến sẽ thông báo các khoản đóng góp lớn cho COVAX, đồng thời kêu gọi cải cách WHO cũng như tăng cường hợp tác xuyên biên giới. Trong bài diễn văn được ghi hình trước để gửi đến Phiên toàn thể Đại Hội đồng LHQ Khóa 75, Thủ tướng Anh Boris Johnson đề xuất kế hoạch 5 điểm nhằm cải thiện cách ứng phó quốc tế chống các đại dịch trong tương lai, nhấn mạnh “nếu chúng ta không đoàn kết và cùng chống kẻ thù chung, tất cả chúng ta sẽ thất bại”. Kế hoạch của ông Johnson bao gồm một mạng lưới các trung tâm nghiên cứu, tăng cường năng lực sản xuất vắcxin, và một thỏa thuận giảm thuế xuất khẩu áp đặt khi bùng phát dịch COVID-19.
Ông cũng sẽ cam kết một khoản đóng góp ban đầu là 71 triệu bảng Anh cho cơ chế COVAX để đảm bảo quyền mua 27 triệu liều vắcxin, và 500 triệu bảng đóng góp cho một sáng kiến khác của COVAX nhằm giúp các nước nghèo tiếp cận với vắcxin. Ông cũng sẽ thông báo khoản cam kết 340 triệu bảng Anh cho WHO trong 4 năm tới, tức là tăng 30% phần đóng góp trong 4 năm của Anh, trong đó 30% số tiền này sẽ tuỳ thuộc vào việc cải cách WHO.
TRẦN BÍCH HƯƠNG (Vietnam+)