.

Các thương hiệu mì ăn liền châu Á "bội thu" trong mùa dịch COVID-19

Cập nhật: 20:24, 26/08/2020 (GMT+7)

Khi nhiều người dân phải ở nhà thực hiện các biện pháp phòng dịch COVID-19, lượng tiêu thụ mì ăn liền tại các quốc gia châu Á đã gia tăng đáng kể, đem lại lợi nhuận khổng lồ cho các hãng thức ăn nhanh này.

Theo Nikkei Asian Review, ông Wei Hong-ming, Chủ tịch nhà sản xuất mì ăn liền lớn nhất Trung Quốc Tingyi, đã ví doanh thu trong nửa đầu năm nay của công ty ông như được “trở lại vinh quang”. Và điều mang lại “vinh quang” cho công ty có trụ sở tại Hong Kong này chính là mảng kinh doanh mì ăn liền. Trong khi mảng đồ uống, bao gồm Pepsi-Cola, có doanh thu giảm 4,1%, thì mảng mì lại ghi nhận mức tăng trưởng hai con số cả về doanh thu và lợi nhuận ròng, lần lượt tăng 29,2% và 93,7 %. Uni-President China Holdings, một đối thủ của Tingyi tại Đài Loan, cũng được hưởng lợi từ các biện pháp cách ly tại nhà trong bối cảnh bùng phát dịch COVID-19.

Không chỉ ở Trung Quốc, người châu Á nói chung cũng rất thích ăn mì gói. Nhiều quốc gia khác trong khu vực, như Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam, cũng lọt vào danh sách Top 10 quốc gia tiêu thụ mì gói lớn nhất. Các nhà sản xuất mì nổi tiếng của Nhật Bản và Hàn Quốc cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể. Nissin Foods Holdings của Nhật Bản, chủ sở hữu của thương hiệu Cup Noodle, đã ghi nhận lợi nhuận ròng từ tháng 4 đến tháng 6 cao hơn gấp đôi, tăng 114,2 triệu USD so với một năm trước đó.

Đối thủ của Nissin, Toyo Suisan, cũng ghi nhận lợi nhuận tăng 76%, lên 8,4 tỷ yên trong cùng kỳ. Doanh số bán hàng trong nước cũng như nước ngoài ở cả hai công ty đều tăng mạnh. Tuy nhiên, thị trường chủ yếu của Nissin ở châu Mỹ, Trung Quốc đại lục và Hong Kong, còn Toyo Suisan thì có thị trường Mỹ và Mexico.

HẢI VÂN (Vietnam+)

.
.
.