.

ASEAN thúc đẩy một khu vực ổn định, thịnh vượng, hòa bình hơn

Cập nhật: 17:49, 09/08/2020 (GMT+7)

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng, trong nhiều thập kỷ qua, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã thúc đẩy một khu vực ổn định, thịnh vượng và hòa bình hơn. Ông Pompeo đồng thời khẳng định ASEAN và các cơ chế do hiệp hội lãnh đạo nằm ở vị trí trung tâm trong tầm nhìn của Mỹ về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cũng như của các đồng minh và đối tác của Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Phát biểu chào mừng 10 nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN nhân dịp kỷ niệm 53 năm thành lập, Ngoại trưởng Pompeo cũng cho rằng, quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - ASEAN đang đóng góp cho tầm nhìn chung của hai bên về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và cởi mở.

Bày tỏ mong muốn tiếp tục hợp tác với ASEAN, Ngoại trưởng Pompeo cho biết, Mỹ và các nước ASEAN đã hợp tác theo nhiều cách để chống lại đại dịch COVID-19. Mỹ đã cam kết viện trợ y tế và nhân đạo khẩn cấp gần 85 triệu USD giúp các nước ASEAN chống dịch. Hai bên sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế minh bạch trong quá trình phục hồi hậu đại dịch.

Trước đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố báo cáo trong đó dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực Đông Nam Á sẽ giảm từ mức 4,4% năm 2019 xuống còn 1% trong năm 2020, trước khi phục hồi lên mức 4,7% vào năm 2021, đặc biệt do các mối quan hệ thương mại và đầu tư mạnh mẽ của khu vực này với Trung Quốc.

Theo chuyên gia kinh tế trưởng Yasuyuki Sawada của ADB, sự lây lan nhanh của đại dịch COVID-19 khiến triển vọng kinh tế khu vực và toàn cầu trở nên không chắc chắn, với tốc độ tăng trưởng và phục hồi sẽ diễn ra chậm hơn so với dự kiến trước đó.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Thái Lan sẽ là một trong những nước bị tác động nặng nề nhất ở khu vực Đông Nam Á do đại dịch COVID-19, vì nguồn thu từ du lịch và đi lại chiếm 20% GDP của nước này.

Trong khi đó, báo cáo của Viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales nhận định ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch đối với các nền kinh tế Đông Nam Á sẽ giảm bớt trong nửa cuối năm 2020, khi nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc và thương mại toàn cầu phục hồi.

Ngoài ra, các gói kích thích tài chính và nới lỏng tiền tệ của các nước trên toàn khu vực cũng sẽ giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, chỉ đến giữa năm 2021, GDP toàn cầu mới có thể trở lại mức trước khủng hoảng.

Theo báo cáo, kinh tế ASEAN có thể đạt 8% trong năm 2021, sau khi rơi vào suy thoái trong nửa đầu năm 2020.

HỮU CHIẾN (TTXVN)

.
.
.