Kỳ 1: Những mảnh đời trôi nổi
Nằm ở phía bắc Campuchia, hồ Tonlé Sap (hay còn gọi là Biển Hồ) là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á. Vào mùa mưa - từ tháng 6 đến tháng 10 - diện tích ngập nước kéo dài 16.000km2 với độ sâu trung bình 9m, gấp 6 lần mùa khô. Hơn 1, 5 triệu người ở các tỉnh Siem Reap, Kongpong Cham, Pursat…, phụ thuộc vào nơi này để kiếm sống.
Ca nô của The Lake Clinic đến phòng khám bệnh Peam Bang. |
Trước năm 2007, bệnh tật là nỗi ám ảnh của cộng đồng dân cư trên mặt nước Biển Hồ nhưng từ năm 2007 đến nay, sự xuất hiện của 6 phòng khám bệnh trên hồ (The Lake Clinic - viết tắt là TLC) đã góp phần cải thiện sức khỏe cho những người trên đầu là trời, dưới chân là... nước.
***
Tám giờ sáng ngày 12 tháng chạp Âm lịch 2019, tôi cùng Suon Piseth, y sĩ người Campuchia lên chiếc ca nô của TLC. Trên ca nô, ngoài tài công Leng Samnang thì còn có nữ bác sĩ Hun Thourida đồng thời cũng là giám đốc y tế của TLC và 4 thùng thuốc men, dụng cụ. Leng Samnang nói: “Mỗi tuần 3 lần, tôi lái ca nô đưa các y, bác sĩ, điều dưỡng đến 6 phòng khám. Mỗi lần như vậy, chỉ riêng tiền xăng dầu là 50 USD”.
Khởi hành từ ven bờ huyện Prasat Bakong, chiếc ca nô nhắm hướng làng nổi Chong Khneas thẳng tiến. Xung quanh tôi, trên mặt nước là những ngôi nhà - phần lớn dựng tạm bợ bằng tranh, tre, lá, ván ép hoặc những tấm thiếc và vải bạt. Tất cả được buộc vào những cái bè gỗ hoặc những con thuyền cũ nát. Theo số liệu của Chính phủ Campuchia, có khoảng 100.000 người sinh sống trên những ngôi làng nổi này, trong đó hơn 6.000 là người gốc Việt. Họ là một trong những cộng đồng nghèo khó nhất Campuchia, mưu sinh bằng cách đánh bắt các loài thủy sản theo mùa.
Sau gần 4 tiếng, chiếc ca nô cập vào phòng khám bệnh nổi Peam Bang. Đó là một căn nhà thuyền rộng khoảng 100m2 bằng gỗ, mái nhà đặt những tấm pin mặt trời để cung cấp nguồn điện. Khi chúng tôi chuyển những thùng thuốc men, dụng cụ lên, đã có hơn 10 bệnh nhân ngồi đợi. Y sĩ Suon Piseth cho biết phần lớn đều mắc bệnh cao huyết áp, đến tái khám theo lịch hẹn: “Chúng tôi cấp thuốc cho họ từng đợt, mỗi đợt 30 ngày, đồng thời hướng dẫn họ cách ăn uống, sinh hoạt nhằm tránh tai biến”. Bác sĩ Hun Thourida nói thêm: “Do tính chất đặc thù của cuộc sống, hầu hết cư dân trên hồ đều ăn mặn. Mỗi lúc đánh bắt được các loại cá, ngoài phần đem bán, họ ướp muối, phơi khô những con cá nhỏ, không bán được. Đến mùa nắng, sản lượng thấp cũng như vài tháng trong năm, Chính phủ Campuchia cấm mọi hình thức khai thác nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì cá khô là thức ăn chính. Ăn mặn lâu dài, họ mắc bệnh cao huyết áp”.
Sự hình thành 6 phòng khám bệnh trên Biển Hồ bắt nguồn từ việc Jon Morgan, người Mỹ, tốt nghiệp thạc sĩ về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Hawaii, Mỹ. Năm 1994, trong chuyến du lịch đến thành phố Seam Reap, Campuchia, Jon nhận thấy hầu hết trẻ em ở đây mỗi khi ốm đau, bệnh tật, đều chưa được tiếp cận với nền y học hiện đại. Vì thế khi trở về Mỹ, ông đã vận động, quyên góp để thành lập Bệnh viên Nhi khoa Angkor, đặt tại thành phố Siem Reap. Tất cả mọi bệnh nhi Campuchia khi vào thăm khám, điều trị đều không phải trả tiền, kể cả cần ra nước ngoài phẫu thuật các bệnh lý thần kinh, tim mạch.
Kiểm tra răng miệng cho một trẻ em Campuchia. |
Mùa hè năm 2006, lúc đi chơi Biển Hồ, Jon Morgan được một phiên dịch cho biết tình hình chăm sóc sức khỏe của những cư dân sống trên mặt nước gần như là con số 0. Mỗi khi ốm đau, họ tự chữa bằng những loại cỏ cây rễ lá theo truyền khẩu. Nếu không khỏi, họ chèo thuyền vào bờ, đến những tiệm thuốc tây mua thuốc. Vài người khá giả vào bệnh viện tư, nơi việc thăm khám, điều trị tính bằng đô la Mỹ nhưng rất đắt còn bệnh viện công thì nhiều bệnh nhân lại không đủ giấy tờ tùy thân. Jon Morgan nói: “Nghe xong, tôi nghĩ đây là cơn ác mộng. Phải có ai đó làm một điều gì đó”.
Và thế là từ năm 2007 đến 2012, được sự chấp thuận của Bộ Y tế Campuchia và chính quyền tỉnh Siem Reap, 6 phòng khám ra đời, gồm 5 cái đặt trên mặt nước Biển Hồ, 1 đặt trên sông Stung Sen liền kề, hoạt động bằng sự tình nguyện của 5 bác sĩ, 2 y sĩ, 4 nữ hộ sinh, 1 y sĩ nha khoa cùng các nhân viên hỗ trợ. Cứ mỗi tuần, họ thực hiện 3 chuyến đi đến các phòng khám. Bác sĩ Hun Thourida cho biết cô đã làm việc với TLC từ năm 2012, sau khi tốt nghiệp Học viện Y khoa St Petersburg II Mechnikov, Nga. Hun Thourida nói: “Tôi có thể dễ dàng tìm được công việc ở Nga với mức lương cao nhưng tôi quyết định trở về quê nhà để giúp đỡ người nghèo”. Ngoài tiếng Khmer, Hun Thourida còn thông thạo tiếng Anh và tiếng Nga nên cô cùng bác sĩ Jon Morgan là cầu nối giữa TLC với các nhà hảo tâm ở nhiều nơi trên thế giới.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, cứ 10.000 người Campuchia mới có 1,7 bác sĩ trong lúc ở Việt Nam, con số này là 9,6. Tỷ lệ trẻ em Campuchia suy dinh dưỡng nói chung là 32% nhưng trên Biển Hồ, nó là 59%. Lúc ghé vào vài căn nhà thuyền, tôi thấy thức ăn chính của người dân Biển Hồ ngoài cơm thì phần lớn là ớt và muối cùng mấy con cá khô, rau dại. Tôi hỏi ông Sao Samouth, chủ một căn nhà thuyền tương đối khang trang khi nhìn thấy đứa con trai của ông 14 tuổi nhưng như đứa trẻ lên 10 đang ngồi ăn cơm mà thức ăn là vài con tép rang bé tí, rằng nghe nói ông là một trong những người đánh được nhiều cá nhất nhưng sao không để ăn? Ông đáp: “Ăn cá không quan trọng bằng bán để lấy tiền vì tiền có thể làm được nhiều việc”. Bác sĩ Jon Morgan nói: “Thiếu chất đạm, chất béo và vi chất dinh dưỡng, trẻ con còi cọc, dễ mắc một số bệnh như lao, giun sán và các bệnh về đường tiêu hóa. Tôi vẫn thường giải thích với họ rằng thứ nước mà các bạn múc dưới hồ lên để uống, nhìn thì thấy trong vắt nhưng cũng chính hồ nước ấy là nơi các bạn tắm rửa, giặt giũ quần áo và… đi vệ sinh!”.
VŨ CAO
(Xem tiếp kỳ sau)