Trung Quốc phá hủy 95% kho tên lửa đạn đạo, hành trình khi ký INF với Mỹ, Nga
Khi rút khỏi Hiệp định lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) hồi năm ngoái, chính quyền Trump liên tục nêu yêu sách buộc Trung Quốc phải là bên tham gia đối với bất kỳ hiệp ước kiểm soát vũ trang hạt nhân nào.
Tên lửa DF-26 của Trung Quốc có tầm bắn 3.000-4.000km. Ảnh: MT |
Nếu đồng ý tham gia một hiệp ước tương tự như INF về cấm triển khai, phát triển các loại vũ khí đặt trên mặt đất có tầm bắn từ 500-5.500km, Trung Quốc sẽ phải phá hủy 95% kho vũ khí tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình hiện có. Đây là kết luận được nêu ra trong một báo cáo phân tích của Viện Quốc tế về Nghiên cứu Chiến lược (IISS) có trụ sở tại London.
Trong báo cáo có tiêu đề “Đánh giá môi trường an ninh châu Á - Thái Bình Dương năm 2020”, các nhà nghiên cứu nhận định không có lý do gì để Trung Quốc ký một thỏa thuận như vậy, xét trong bối cảnh kho tên lửa của Trung Quốc đa phần gồm các chủng loại tầm trung và tầm ngắn, tạo cho Bắc Kinh có “lợi thế so sánh” tầm chiến lược ở khu vực.
Theo ước đoán của IISS, sẽ có khoảng 2.200 tên lửa của Trung Quốc thuộc diện phải dỡ bỏ nếu chiểu theo “Hiệp ước mới kiểu INF”. Đơn cử, năm 2019, Trung Quốc mới chỉ có 90 đơn vị tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng vươn tới đất liền Mỹ.
Cách thức tốt nhất để tránh kết cục tồi tệ có thể nằm ở cách tiếp cận rộng mở hơn về kiểm soát vũ trang khu vực. Nó bao gồm việc Mỹ có những nhượng bộ lớn hơn ngoài việc dừng triển khai tên lửa trên mặt đất, còn Trung Quốc cho thấy sự sẵn lòng can dự vào kiểm soát chiến lược và kiểm soát vũ trang khu vực”, các chuyên gia IISS khuyến nghị.
Sau khi từ bỏ INF vào tháng 8/2019, Mỹ đã ngay lập tức bắt tay thử nghiệm nhiều loại tên lửa mặt đất vốn trước đây bị cấm. Chính Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper là người công bố các kế hoạch về triển khai hệ thống vũ khí này ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Bắc Kinh chỉ trích quyết định này của Washington, còn các đồng minh của Mỹ tại khu vực như Hàn Quốc, Philippines cam kết sẽ không cho phép lắp đặt chủng loại tên lửa này ở nước sở tại.
HOÀI THANH (Sputnik)